Trung bình mỗi ngày, tại BV Chợ Rẫy, khoảng 5 – 10 ca chết não hoặc ngưng tim có thể hiến mô tạng để cứu người, nhưng đến nay, nguồn quý giá này vẫn chưa thể chạm tay tới.

Theo GS. TS Trần Ngọc Sinh – Trưởng Bộ môn Tiết niệu học (ĐH Y Dược TP.HCM), 1 người qua đời tự nguyện hiến tặng, tối thiểu có thể cứu sống được 7 người bệnh với thận, gan, tim, phổi, giác mạc, tuỵ tạng, da của mình.

Mong manh nguồn cho

Việt Nam hiện có hàng chục ngàn người bệnh cần mô và tạng để được cứu sống. Tuy nhiên, mới trên dưới 1000 bệnh nhân được ghép mô, tạng. Hiện nay, BV Chợ Rẫy mới ghép được 400 ca, nhiều nhất trong 12 trung tâm ghép tạng. Đối với dân số 80 triệu dân như Việt Nam, hàng năm, bệnh nhân cần ghép tạng lên đến con số hàng ngàn.

 

 Rất nhiều bệnh nhân suy thận đang chờ ghép.
Rất nhiều bệnh nhân suy thận đang chờ ghép.


Theo thống kê chưa chính thức, Việt Nam có 6000 người suy thận mãn cần ghép, 1500 người cần ghép gan, 6000 người chờ ghép giác mạc, và hàng trăm người chờ ghép tim, phổi và tụy tạng.

Nhưng theo báo cáo ngày 8/9/2014 tại BV Việt – Đức, có khoảng 1000 người được ghép thận, 46 người được ghép gan, 11 người được ghép tim, 1 người được ghép tụy tạng và 1400 người được ghép giác mạc.

Hiện nay, nguồn cho chủ yếu vẫn đến từ những người cho còn sống, và giới hạn trong phạm vi gia đình, như mẹ cho con hoặc cha cho con. Hơn thế nữa, với nguồn hiến tạng từ người cho sống, người bệnh chỉ có thể nhận được 1 quả thận hay 1 phần gan để ghép mà thôi.

BV Chợ Rẫy: 7 người hiến mô tạng khi chết

Sau ca ghép thận đầu tiên từ người cho chết não năm 2008, BV Chợ Rẫy cũng chỉ mới tiếp nhận thêm 7 người chết não tự nguyện hiến thận. Bao gồm: 3 người đã dặn người nhà trước, 3 người trối lại trước khi qua đời và 1 là do thân nhân đồng ý cho thận. Tuy rằng nguồn cho chỉ có 7 nhưng đến 13 bệnh nhân suy thận đã được cứu sống. Sau 5 năm theo dõi, chỉ 25% trường hợp quả thận bị đào thải.

Bên cạnh nguồn cho là người chết não, BV Chợ Rẫy hiện đang muốn triển khai thêm một nguồn thứ ba, là người cho tim ngừng đập. Trong vòng 30 phút sau khi tim ngừng đập, các bác sĩ có thể lấy tim, thận và phổi để ghép cho người cần. Ngoài ra, người qua đời còn có thể hiến van tim, giác mạc, gan, da, xương, tụy…

Thẻ hiến tạng, “một lá bùa bình an”

“Thoạt nghe, việc hiến tặng tạng khi chết có vẻ khủng khiếp. Quyết định này được đưa ra khi còn sống giống như điềm gở, vì người đang sống yên lành. Nhưng nếu nhìn theo góc độ tâm linh, đây chính là lá bùa cầu bình an, vì đã có tâm nguyện làm điều thiện. Hồi sinh sự sống từ “tro tàn” là nhân đạo. Nó như một lời nhắc nhở, người hiến tặng đi đường cẩn thận hơn, chăm sóc sức khỏe tốt hơn,” BS Sinh nói.

Lần đầu tiên, BV Chợ Rẫy thành lập Đơn vị Điều phối Ghép các Bộ phận Cơ thể Người, và phát hành thẻ hiến tạng. Sau gần một tháng hoạt động, hơn 100 thẻ đăng ký hiến tặng tạng đã được trao, nhiều người thiện nguyện khi còn rất trẻ, 25 tuổi. Bên cạnh việc làm nhân đạo, đăng ký công khai sẽ là một phương pháp chính thống ngăn ngừa các việc mua bán tạng bất hợp pháp.

BS Sinh cho biết thêm: “Người hiến tạng khi bị tai nạn rủi ro, đã được xác nhận chết não hoặc ngưng tim, trung tâm điều phối vẫn sẽ trao đổi với người nhà, cho đến khi người nhà đồng ý, chúng tôi mới tiến hành tiếp nhận.”

Hiện nay, khoảng 200 bệnh nhân đang đăng ký chờ ghép thận tại BV Chợ Rẫy. Danh sách chờ vẫn đang tăng theo thời gian. 2/3 người chờ ghép sẽ tử vong vì không có nguồn thận.

Không chỉ có vậy, nhiều bệnh nhân đang cần gan để ghép ngay. Nhiều trường hợp không thể chờ đến 3 tháng. Các xét nghiệm cần thiết đã được làm đối với người nhận. Riêng người cho sẽ được làm sau khi qua đời.

BS Ngọc Sinh nhấn mạnh, khi có người cho, một hội đồng khoa học sẽ được thành lập, người nhận sẽ được loại dần theo tiêu chuẩn y khoa. Nhóm điều phối sẽ phải trình bày trước hội đồng khoa học ghép gồm 20 thành viên, thảo luận và đưa ra kết luận sau cùng.

Để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho người tình nguyện cho hiến tạng, BV Chợ Rẫy hiện đang vận động các mạnh thường quân thành lập quỹ, bệnh nhân nhận ghép không phải trả một đồng nào, ngoại trừ viện phí.
 

Theo Vietnamnet

.