Được biết, bệnh nhân B. làm nghề thợ hồ. Ngày 22/2, trong quá trình làm việc, ông ngậm sẵn 3 cây đinh trong miệng để tiện đóng cốp pha. Sau đó, trong lúc nói chuyện, ông B. vô tình khiến đinh rơi xuống phổi.

Sau khi bị hóc đinh, bệnh nhân cảm giác hơi vướng nhưng không khó thở, chỉ ho một cơn gọi là hội chứng xâm nhập. Bệnh nhân có đi khám tại địa phương, được khuyên về theo dõi tìm đinh trong phân. Nhưng sau 4 ngày không thấy đinh nên bệnh nhân quyết định nhập cấp cứu bệnh viện Đà Nẵng và được chỉ định nhập Khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng.

leftcenterrightdel
 Hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. (ảnh: BV cung cấp)

Sau khi khai thác bệnh sử, thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng, ê kíp bác sĩ khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng đã tiến hành nội soi phế quản gắp đinh sắt dài 3cm nằm trong phổi trái của bệnh nhân sau 30 phút. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và chuẩn bị ra viện.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Tâm - Phó trưởng Khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đây là trường hợp bệnh nhân bị hóc dị vật có kích thước khá lớn, nhọn. Hơn nữa đinh ở vị trí sâu, đầu đinh hướng phía trên, trơn nên gây nhiều khó khăn, phải sử dụng dụng cụ chuyên mới lấy được.

Bác sĩ Tâm khuyến cáo, để phòng tránh những tai nạn lao động như trên, người lao động không nên chủ quan, cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn trong lao động, không dùng miệng để ngậm các vật cứng, sắc, nhọn, tròn…  để tránh những hậu quả nặng nề gây tổn thương đường hô hấp do hóc dị vật.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh chụp X-quang phổi bệnh nhân B. thấy rõ cây đinh. (ảnh: BV cung cấp)

Cũng theo bác sĩ Tâm, khi bị hóc dị vật, mọi người thường cố gắng khạc, dùng tay móc hoặc chữa mẹo dân gian để lấy ra. Tuy nhiên, những cách này sẽ làm tình trạng xấu đi, dị vật có thể bị mắc sâu hơn và rơi vào vị trí nguy hiểm. Vì vậy, khi bị hóc dị vật, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. 

 

L.T