BS Phạm Ngọc Đông khuyến cáo không tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ hoặc sử dụng biện pháp điều trị dân gian sẽ có hại cho mắt.

 


Việc một người đau mắt đỏ lây cho cả nhà là rất phổ biến, bởi đau mắt đỏ là bệnh lây truyền nên dễ thành dịch. Bác sĩ khẳng định việc nhìn nhau không lây mắt đỏ. Bệnh dễ lây lan trực tiếp khi người bị bệnh ngứa mắt, lấy tay dụi rồi bôi lên quần áo, vật dụng, người không bị bệnh khi chạm phải nếu không rửa tay sạch sẽ mà lại cho tay lên mắt sẽ bị lây bệnh.

Ngoài ra bệnh còn có cơ chế lây qua đường hô hấp, trong trường hợp virus gây viêm kết mạc họng, hạch, vừa đau mắt đỏ, vừa nổi hạch trước tai. Trường hợp này, bệnh nhân có thể ho, khi ho virus sẽ phân tán theo nước bọt dưới dạng sương ra ngoài, rất khó phòng bệnh.

Đau mắt đỏ chưa có thuốc điều trị đặc hiệu

Theo các chuyên gia nhãn khoa, bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus, hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh.

Trẻ em là đối tượng thường nhạy cảm với các loại virus nên tỷ lệ trẻ dễ mắc bệnh rất cao. Trường học cũng là môi trường có tương tác lớn, rất dễ lây lan đau mắt đỏ. Trẻ khi phát hiện đau mắt đỏ cần được nghỉ học 5-7 ngày.

BS Phạm Ngọc Đông cho biết, triệu chứng của bệnh đau mắt rất dễ nhận biết. Bệnh nhân thấy mắt cộm, cộm như có cát ở trong mắt và tiến triển nhanh. Ngay sau đó, bệnh nhân thấy mắt đỏ, mắt có nhiều dử và mi mắt sưng to.

Triệu chứng trên có thể xuất hiện ở cả 1 mắt hoặc 2 mắt cùng một lúc. Khi bệnh nhân có những triệu chứng như vậy, khả năng bệnh nhân bị đau mắt đỏ rất cao. Khi đau mắt đỏ, bệnh nhân vẫn nhìn được bình thường và không hề bị giảm thị lực. Nếu bệnh nhân bị các triệu chứng như trên nhưng kèm theo giảm thị lực rất có thể bệnh nhân bị bệnh khác hoặc bị biến chứng vào giác mạc.

Bệnh đau mắt đỏ thường diễn biến lành tính, các biến chứng nặng ít gặp nhưng có thể xảy ra. Bác sĩ Đông khẳng định: “Đau mắt đỏ thường do virus gây ra. Đến nay chúng ta chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Thông thường, khi đến viện, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm phù, thuốc chống viêm và thuốc kháng sinh để đề phòng bội nhiễm. Bên cạnh đó, các bác sĩ đã khám để xem có màng giả ở trong mắt hay không. Nếu có màng giả ở trong mắt, các bác sĩ sẽ bóc màng đó đi, bệnh mới nhanh khỏi”.

Rửa tay bằng xà phòng để phòng tránh bệnh

Để cách phòng tránh đau mắt đỏ được hiệu quả, bác sĩ Đông khuyên người bệnh và chưa bị bệnh cần phải chú ý rửa tay bằng xà phòng. Đối với người chưa bị bệnh có thể tra nước muối sinh lý để làm sạch mắt. Còn những người đang bị bệnh phải hết sức lưu ý và giữ cho người khác chứ không phải vì mình đã bị bệnh và không cần để ý nữa. Đó là sau khi tra thuốc trên mắt hay lau mắt, phải để bông hoặc giấy lau một nơi để xử lý theo đường rác thải. Sau đó, phải rửa ta bằng xà phòng. Hạn chế tối đa tiếp xúc với người khác như: nghỉ học, nghỉ làm việc để tránh lây lan trong cộng đồng.

-Rửa tay thường xuyên, vài lần một ngày bằng xà phòng xát trùng loại bánh hay dạng dung dịch đều được.

-Tránh nói chuyện, bắt tay, cầm nắm và dùng chung các đồ vật với người bị bệnh

-Bệnh nhân nên đeo kính, mang khẩu trang, tránh tiếp xúc với người lành khoảng 5-7 ngày.

Có nên tự ý mua thuốc về điều trị?

BS Đông khuyến cáo: nếu các bạn bị đỏ mắt, đau mắt đều phải đến gặp bác sĩ nhãn khoa để chẩn đoán, khám bệnh và điều trị kịp thời. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý sử dụng các thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ hoặc sử dụng biện pháp điều trị dân gian chẳng hạn như xông lá trầu không. Vì khi chúng ta chưa biết rõ mình bị bệnh gì thì việc điều trị là vô nghĩa chưa kể nó gây ra những biến chứng có thể làm hại cho đôi mắt. Đặc biệt, nếu bệnh nặng có thể dẫn đến mù lòa.

Trong trường hợp tự ý dùng thuốc và bị dị ứng thuốc, dấu hiệu dễ phát hiện đó là tự nhiên mắt đỏ hơn, khó chịu hơn và dấu hiệu rất quan trọng là bị ngứa mắt. Trước đó, mắt ngứa ít nhưng khi sử dụng thuốc không hợp ngứa tăng nhiều, thậm chí kết mạc phù nhiều phải nghĩ ngay đến việc bị dị ứng thuốc. Trong trường hợp này phải đến ngay cơ sở chuyên khoa về nhãn khoa để điều trị kịp thời. Khi đến khám bệnh, bệnh nhân phải nói cho bác sĩ biết thuốc đã sử dụng để tránh bị lặp lại thuốc đã dùng cũng như tránh bị dị ứng.

Cũng có nhiều bệnh nhân khi bị đau mắt đó, đã tự ý dùng thuốc tobrex. Tuy nhiên, bác sĩ Đông khẳng định: “Thuốc tobrex là một kháng sinh chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn chứ không có tác dụng đối với virus. Nếu các bác sĩ chỉ định dùng thuốc này nhằm tránh bội nhiễm mà thôi”.

Để chủ động phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo cộng đồng thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Rửa mặt hằng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của bệnh nhân. Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng và không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, vật dụng cá nhân dễ bị nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, kính mắt./.
 

Theo VOV

.