|
|
Nhiều người trẻ coi bệnh cúm là bệnh thường, không cần đến các cơ sở ý tế để điều trị. |
Một bệnh nhân nam được chẩn đoán mắc cúm B và được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tuy nhiên, tình trạng bệnh xấu đi nhanh chóng. Anh đã phải can thiệp ECMO 3 tuần nhưng tình trạng vẫn rất nguy kịch. Gia đình cho biết, trước đó anh hoàn toàn khỏe mạnh.
“Gia đình chúng tôi rất là sốc. Mới đầu thì nghĩ chồng chỉ bị viêm phổi bình thường, điều trị mấy hôm là khỏi thôi. Nhưng sau khi được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thì được nghe các bác sĩ nói, gia đình tôi không tin một người đang khỏe mạnh lại như thế. Vì trước hôm đi cấp cứu, chồng tôi vẫn nói chuyện với vợ bình thường”, người nhà bệnh nhân này chia sẻ.
Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bà Nguyễn Thị Thoa bệnh nhân mắc cúm A, vốn cao tuổi lại mắc thêm các bệnh lý nền vì thế khi bị cúm bệnh nhân cảm thấy vô cùng mệt mỏi và đau nhức khắp người. Do bà nôn liên tục nên đã được người thân đưa đi cấp cứu.
“Hôm ấy nó mỏi từ đầu cho đến tay chân, nhức mỏi không thể nào đi được. Con tôi nó phải cõng, lại kèm cái bệnh trào ngược nên cứ nôn”, bà Thoa kể lại.
|
|
Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên chủ quan với bệnh cúm. |
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ước tính hàng năm có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em mắc cúm A hoặc B trên toàn cầu. Bệnh cúm có thế xảy ra quanh năm. Bệnh cúm có những dấu hiệu dẽ nhầm lần với cảm thông thường, do đó nhiều người thường coi là bệnh “xoàng”, không điều trị hoặc điều trị muộn khi bệnh chuyển biến nặng.
Bác sĩ Trân Thị Tâm - Khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: “Cúm thực ra là một loại bệnh do virus gây nên. Thông thường khi bệnh nhân nhiễm cúm đều có những biểu hiện như ho, chảy mũi…Còn biểu hiện của nhiễm khuẩn hô hấp khiến bệnh nhân phải nhập viện ngay như đau ngực, khó thở, sốt cao liên tục kéo dài không dứt…”
Các bác sĩ cho biết, có không ít trường hợp mắc cúm mùa nhưng không được điều trị kịp thời, có thể gây biến chứng dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách.
Để phòng bệnh cúm, người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ cần thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước sạch, mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người, giữ vệ sinh thân thể và môi trường sống thật tốt. Tuy nhiên, biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả nhất vẫn là đi tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh cúm.