Vôi răng và mảng bám vi khuẩn là thủ phạm gây bệnh nha chu. Mô nha chu bị suy yếu không thể giữ được răng.
Vôi răng là gì?
Nếu vệ sinh sinh răng miệng không tốt, vi khuẩn trong miệng kết hợp với mảnh vụn thức ăn tạo thành một màng dính gọi là mảng bám răng. Mảng bám răng bám chặt vào răng và khi nào tồn tại đủ thời gian sẽ lắng đọng các chất khoáng trong nước bọt hình thành vôi răng. Chỉ có nha sĩ mời có thể loại bỏ vôi răng nhờ vào dụng cụ chuyên dụng.
Tác hại của vôi răng
Vôi răng bám trên bề mặt răng gây mất thẩm mỹ, hôi miệng và cản trở việc vệ sinh răng miệng. Trên bề mặt vôi răng luôn có vi khuẩn. Vi khuẩn này lên men đường trong thức ăn tạo acid có thể làm hỏng men răng và gây sâu răng.
Vi khuẩn trong vôi răng gây kích thích và tổn tại đến nướu răng:
- Mức độ nhẹ là viêm nướu: nướu sưng, đỏ, chảy máu… Bệnh viêm nướu có thể phục hồi trở lại nếu như vôi răng được loại bỏ và duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách.
- Nếu viêm nướu không được điều trị, vôi răng hình thành nhiều và tồn tại dai dẳng có thể dẫn đến viêm nha chu. Khi đó hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ phóng thích các hóa chất để chống lại với vi khuẩn và những sản phẩm của vi khuẩn. Kết quả của "quá trình đánh nhau" này là gây tổn hại xương và các mô nha chu có tác dụng nâng đỡ và giữ ổn định răng trên cung hàm. Mô nha chu bị suy yếu, không thể giữ được răng, dẫn đến răng lung lay và hậu quả cuối cùng là bị mất răng.
- Các vi khuẩn trong bệnh nha chu cũng liên quan đến bệnh tim và một số bệnh toàn thân khác.
Phòng ngừa sự hình thành vôi răng
- Chải răng đúng cách với kem đánh răng có fluor.
- Sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám vi khuẩn và mảnh vụn thức ăn còn sót ở vùng kẽ răng.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế lượng thức ăn nhiều đường và bột.
- Không hút thuốc. Các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác có nhiều khả năng có cao răng.
- Một khi răng đã hình thành, chỉ có nha sĩ mới có thể loại bỏ vôi răng. Nên gặp nha sĩ mỗi 6 tháng một lần.
Theo VnExpress