Mặc dù đang là thời điểm sản xuất vụ hè thu, nhưng nhiều hộ dân ở Phổ Quang (Đức Phổ), Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) đành ngậm ngùi bỏ ruộng hoang, vì ruộng bị nhiễm mặn. Không chỉ lao đao vì nước mặn xâm lấn đất sản xuất, người dân ven biển còn khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt khi giếng nước ngọt cũng lần lượt bị nhiễm mặn.

 


Tình trạng xâm mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền, không chỉ khiến người dân loay hoay khi diện tích đất trồng trọt ở ven biển vốn đã ít ỏi, giờ lại phải bỏ hoang, mà còn khiến người dân các vùng ven biển còn lao đao khi các giếng nước ngọt trở thành giếng nước mặn.

 

Dẫn chúng tôi đi xem hai giếng khoan của gia đình mình, dù đã cố gắng khoan sát chân núi, nhưng vẫn bị nhiễm mặn, bà Võ Thị Lễ, ngụ ở KDC số 4, thôn Cổ Lũy Bắc (Vĩnh Thọ) ngán ngẩm: “Trời càng nắng nóng thì độ mặn của nước giếng càng cao. Cứ tháng 5, 6 trở đi là nước giếng lại đục và lợ như nước muối, không thể uống được”.

 

Không đành lòng sống chung với nước nhiễm mặn, rất nhiều người dân thôn Cổ Lũy Bắc (Vĩnh Thọ) đồng lòng góp tiền để qua Nghĩa Hà xin đóng giếng và kéo đường ống dẫn nước về dùng. Dù vậy, chỉ được một thời gian là đường ống lại đóng rong rêu, cặn bẩn nên nguồn nước sinh hoạt vì vậy cũng không đảm bảo.

 

Điệp khúc mua nước đóng chai về uống và nấu cơm... lại tiếp tục diễn ra. Số tiền hằng tháng bà con phải bỏ ra cho việc mua nước cũng không phải nhỏ, bởi bình quân một khối nước sạch đóng chai lên đến 500 nghìn đồng.

 

Kiến nghị về vấn đề này, ông Nguyễn Dũng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú mong mỏi: “Các cấp, ngành cần quan tâm đầu tư công trình nước sạch cho người dân Nghĩa Phú. Bởi hiện nay, tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào đất thổ cư, đang làm ảnh hưởng đến hầu hết các giếng nước ngọt ở địa phương, nhất là các khu dân cư dọc đường bờ nam sông Trà”.

 

Cũng theo ông Dũng, nếu như mọi năm, phải đến tháng 5, 6 trở đi, tình trạng xâm nhập mặn mới xuất hiện, thì năm nay, mới chỉ tháng 3 tình trạng xâm nhập mặn đã xảy ra...
 

Theo Báo Quãng Ngãi

.