Tôi đến gặp người đàn bà bất hạnh trong căn nhà nhỏ hẹp ở khu phố cổ Hà Nội. Ngồi trước mặt chúng tôi là một người đàn bà gần 50 tuổi, khuôn mặt khắc khổ đen sạm, tóc điểm bạc. Đặc biệt, trên đôi mắt buồn sâu thẳm của chị, những dòng lệ uất hận đang chảy trên má.
 
"Là mẹ, nhưng tôi lại biết sau cùng..."
 
Chị tên là Nguyễn Thị H. (SN 1968) là mẹ của hai cháu Trần Thị L. và Trần Thị S.. Theo tố cáo của chị, cả hai cháu L. và S. đều bị bố đẻ là Trần Văn T. (SN 1968, ở thôn Tân Trung, xã Lương Sơn, tỉnh Thái Nguyên) hãm hiếp nhiều lần, trong một thời gian dài (?!).
 
Cháu Trần Thị L. và PV
Cháu Trần Thị L. và PV
 
Tiếp xúc với chúng tôi, chị H. kể lại sự việc trong đau đớn tột cùng: "Ngày 2/6/2013, do nợ nần không có tiền chi trả, chồng tôi đánh tôi một cách dã man. Đây không phải là lần đầu tiên tôi phải gánh chịu những trận đòn tàn nhẫn của chồng. Bước đường cùng, tôi phải trốn xuống Hà Nội, nơi bố mẹ tôi đang sinh sống, còn cháu lớn hiện đang sống với cậu ruột ở Đông Anh (Hà Nội) hơn một năm nay...
 
“Vừa qua, ngày 4/6, con gái lớn gọi cho tôi nói: "Mẹ đi vắng là em con sẽ khổ. Ngày xưa con cũng khổ như em, nên con đã phải trốn khỏi nhà, bây giờ lại đến em cũng phải chịu đựng sự sàm sỡ của bố và cả những trận đòn kinh hoàng nữa. Cũng chỉ vì con sợ những trận đòn của bố mà bao năm nay con phải giữ kín những điều mà bố đã làm với con, nay lại đến em con thì con không thể chịu đựng được nữa. Cuộc đời con coi như không còn gì nữa, nhưng còn hai em của con...". Nghe đến đây, tôi gào lên như một người điên trong cùng quẫn và bế tắc”, chị H. kể lại.
 
Trên khuôn mặt đau đớn tột cùng, chị H. nói trong tiếng nấc nghẹn: "Tôi không ngờ tôi lại là người sau cùng biết chuyện đau lòng này. Càng căm hận chồng bao nhiêu, tôi càng thương con bấy nhiêu. Ruột gan tôi như đứt từng khúc. Tôi tự trách mình làm mẹ mà không bảo vệ được con".
 
Sau phút giây lấy lại bình tĩnh, chị H. cho hay: "Tôi là người ít học, nhưng nói điều gì phải là sự thật. Ngày mai, chị tới đây, tôi sẽ đưa chị tới nơi các con tôi đang trú ẩn, chị có thể nói chuyện trực tiếp với các cháu. Tôi muốn kẻ hãm hiếp các con tôi phải bị pháp luật trừng trị".
 
Cháu Trần Thị S.
Cháu Trần Thị S.
 
Nỗi đau không tên
 
Đúng hẹn, sáng hôm sau tôi đến chở chị H. cùng đi gặp con gái lớn của chị, cháu Trần Thị L. (SN 1995). Trên đường đi, chị H. tâm sự với tôi những gì mà bấy lâu nay chị phải cắn răng chịu đựng. Chị bảo giờ là lúc chị phải vùng lên để giải thoát cho mình và các con. Chị H. bảo cháu L. rất nhát nên gọi cháu ra ngoài nói chuyện cho tiện.
 
Hình như đoán trước được lý do về sự có mặt của tôi, cháu L. cất tiếng chào tôi rồi cúi mặt xuống, trên khuôn mặt của cháu những giọt nước mắt tủi hận không ngừng rơi. Bản năng làm mẹ giúp tôi hiểu được cần phải tạo cho cháu một sự tin tưởng đối với người mà cháu đang đối thoại. Sau những lời hỏi thăm chân thành của tôi, cháu đã thuật lại quá khứ đau buồn của mình.
 
Cháu L. thổ lộ: "Năm cháu lên 9 tuổi (2004 - PV), mẹ cháu bị bệnh phải đi truyền hóa chất ở bệnh viện K Hà Nội. Trong thời gian mẹ nằm viện, cháu ở nhà với bố. Buổi tối đầu tiên xa mẹ, cháu lên giường đi ngủ. Thấy bố đến nằm cạnh, cháu không nói gì. Khi tỉnh giấc, cháu thấy bố lột quần áo của cháu và nói "cho bố nghịch tí"...
 
Sau đó bố làm chuyện người lớn với cháu, cháu đau đớn và vô cùng sợ hãi, nhưng không dám kêu mà chỉ biết khóc và tự mặc quần áo vào. Tới sáng, cháu tỉnh dậy thì lại thấy trên người không có mảnh quần áo nào, mặc dù cháu nhớ lúc đi ngủ, mình đã mặc quần áo. Từ sau buổi tối hôm đó, cứ mỗi tuần bố lại làm chuyện đó hai lần với cháu. Ngay cả khi mẹ cháu được ra viện, lúc nào không có mẹ, bố lại làm chuyện đó với cháu...".
 
 Kể đến đây toàn thân L. run lên bần bật. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng tôi vẫn không kiềm chế được cảm xúc của mình. Tôi phải trấn an chính mình và cháu L.. Sau vài phút im lặng, L. kể tiếp: "Khi cháu lên lớp 6, nhà cháu chuyển sang nhà mới, bố cháu tách cháu ra không cho cháu ngủ cùng với em mà phải ngủ riêng. Từ đó, ngay cả khi mẹ có nhà, bố vẫn làm điều đó với cháu vào lúc mẹ và cháu đã ngủ say. Đến lúc này cháu đã biết chống cự thì bố cháu tuyên bố: "Mày mà nói ra thì đời mày nhục".
 
Cháu chỉ biết khóc và chịu đựng, mỗi lần bố làm điều đó bố đều nói câu "cho bố nghịch tí", nên cháu sợ câu nói đó vô cùng. Lần cuối cùng bố cháu làm điều đó với cháu là vào tháng 5/2012, khi cháu đang ngủ say, lúc cháu tỉnh thì mọi chuyện đã xong. Sau đó cháu phải xin mẹ xuống bà ngoại ở, nhưng cháu không nói cho mẹ biết lý do vì sao mình đi khỏi nhà. Cháu đã hứa với lòng mình chôn chặt những ký ức đau buồn cho đến chết.
 
Tuy nhiên, đến ngày 4/6/2013, bố cháu lại làm điều đó với em cháu là Trần Thị S. (SN 1999) thì cháu không thể chịu được nữa. Cháu không ngờ bố cháu lại ác hơn cả cầm thú. Cuộc đời cháu coi như đã hết, nhưng còn em cháu, không biết em cháu sẽ sống ra sao khi phải sống bên người cha mất hết nhân tính. Có lẽ vì bố cháu hay đánh em, đánh dập đầu xuống đất, thậm chí còn giẫm chân lên gáy em nên em cháu không được thông minh.
 
Sau khi em cháu gọi điện kêu cứu, cháu nghĩ bố cháu cũng làm điều tồi tệ với em cháu nhiều lần chứ không phải một lần như em cháu kể, nhưng do bố cháu đánh đập dã man nên em không dám nói ra. Gia đình cháu giờ đây mỗi người mỗi nơi, cháu hận bố nên đã nói với mẹ làm đơn tố cáo hành vi độc ác mất nhân tính của bố".
 
Kể đến đây, cháu L. khóc nức nở. Tôi phải nắm chặt tay cháu để giúp cháu bình tĩnh. Tôi bảo cháu hãy vứt bỏ sau lưng những quá khứ đau buồn và nhìn về tương lai vì còn nhiều điều tốt đẹp đang ở phía trước.
 
Chia tay với cháu L. tôi quay lại phố cổ (chúng tôi xin không nêu địa chỉ cụ thể - PV) để gặp cháu Trần Thị S. (SN 1999), con gái thứ hai của chị H.. Mặc dù chị H. đã giới thiệu tôi là bạn thân, nhưng cháu S. vẫn sợ hãi khi nhìn người đối diện. Cùng tâm trạng như cháu L. ngồi trước mặt tôi, cháu S. run bần bật, mắt nhìn xuống, vẻ sợ hãi. Đôi mắt thơ ngây của S. đang giàn giụa nước mắt khiến tôi vô cùng xót xa.
 
Chị Nguyễn Thị H.
Chị Nguyễn Thị H.
 
“Cháu căm thù bố, không muốn nhìn mặt ông ấy nữa”
 
Để cháu bớt sợ hãi, tôi liền rủ cháu ra Bờ Hồ ăn kem, thật may cháu S. đồng ý ngay. Trong lúc ăn kem, cháu S. đã nói cho tôi biết những thông tin động trời về người cha mất hết nhân tính của mình: "Gia đình cháu có ba chị em gái, chị cháu là người ngủ say nên nhiều lần khi tỉnh chị mới biết bố đang làm gì với chị. Còn cháu rất thính ngủ, khi bố mò vào giường là cháu biết ngay. Vì cháu là người bị bố ghét nhất và đánh nhiều nhất, có thể do cháu hay chống cự nên bố đánh rất đau. Ngày 4/6/2013, mẹ và chị cháu không có nhà.
 
Buổi tối bố vào giường cháu, sờ người cháu và nói "cho bố nghịch tí". Cháu hét lên, cuốn chăn chặt vào người và chống cự nên bố phải đi ra. Bố đã làm với cháu ba lần như vậy. Không chịu đựng được, cháu gọi cho chị gái để cầu cứu vì cháu sợ vô cùng. Cháu rất buồn vì những chuyện như thế xảy ra với gia đình cháu, cháu căm thù bố, không muốn nhìn mặt ông ấy nữa...".
 
Chị H. cho biết: "Hiện nay gia đình tôi rất khó khăn, mấy mẹ con mỗi người mỗi nơi để lánh nạn. Tôi đã làm đơn tới công an thành phố Thái Nguyên, tố cáo Trần Văn T. có hành vi đồi bại với con đẻ. Sau đó, cơ quan công an đã gọi chồng tôi và 3 mẹ con tôi lên lấy lời khai. Tuy nhiên, không hiểu sao sau đó chồng tôi lại được thả ra. Thậm chí chồng tôi còn dằn mặt mấy mẹ con tôi và nói, mẹ con tôi vu khống cho ông ấy (?!). Tôi vô cùng bức xúc, tôi chỉ mong pháp luật sớm trừng trị tên ác quỷ này và bảo vệ các con tôi". 
 
Trao đổi với PV. chị Nguyễn Thi H. cho biết thêm: “Ngày 5/6, sau khi gia đình tôi gửi đơn trình báo lên công an xã, công an xã đã chuyển đơn lên CATP Thái Nguyên và cơ quan này đã mời tôi, hai con gái và chồng tôi lên ghi lời khai. Nhưng kể từ hôm đó đến nay sự việc vẫn án binh bất động”.                          
 
Một điều tra viên thành phố Thái Nguyên (xin được giấu tên) cho biết: Cơ quan công an đã mời chị Nguyễn Thị H. và hai cháu lên viết tường trình lại toàn bộ sự việc, sau đó đã đưa cháu Trần Thị L. đi giám định. Hiện tại cơ quan công an đang điều tra thu thập chứng cứ sớm đưa vụ án ra ánh sáng.
 
Theo Lương Liễu
Nguoiduatin.vn