(BVPL) - “Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai” được Quỹ Dân số Liên hiệp quốc chọn là chủ đề của Ngày Dân số Thế giới năm nay. Thông điệp này cho thấy, cả thế giới đều quan tâm và hướng tới những người dân thiệt thòi ở những vùng thiên tai.
Trên thế giới, phụ nữ, trẻ em và thanh, thiếu niên chiếm hơn 3/4 trong tổng số hơn 50 triệu người bị buộc phải di chuyển khỏi nơi mình đang cư trú do những nguyên nhân như xung đột vũ trang và thiên tai. Khi có khủng hoảng xảy ra, phụ nữ và trẻ em gái thường là những người phải gánh chịu rất nhiều rủi ro như: Bị lạm dụng và bóc lột tình dục, gánh chịu bạo lực, bị cưỡng hôn, mắc các bệnh có liên quan tới sức khỏe sinh sản (SKSS) và tử vong do không được bảo vệ hoặc không được viện trợ để có thể đáp ứng, giải quyết các nhu cầu của họ. Đảm bảo an toàn, nhân phẩm và sức khỏe cho họ chính là góp phần đảm bảo hạnh phúc gia đình và cộng đồng. Vì vậy, thông điệp toàn cầu trong ngày dân số thế giới năm 2015: Luôn đảm bảo phẩm giá, sự an toàn và SKSS cho mọi phụ nữ và trẻ em gái; Cuộc sống của một người phụ nữ luôn quý giá trong bất kỳ tình huống nào; Phụ nữ và trẻ em gái là những nhóm dân số dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra và những nhu cầu cụ thể của họ thường không được đáp ứng. Đảm bảo sự an toàn, phẩm giá và sức khỏe cho họ sẽ góp phần đảm bảo hạnh phúc cho gia đình và cộng đồng; Khi thiên tai xảy ra, chúng ta cần phải chú trọng tới nhu cầu về chăm sóc SKSS cho phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản. Nếu chúng ta thực hiện được việc này thì cuộc sống của phụ nữ và các trẻ em gái sẽ trở nên an toàn hơn và họ sẽ được mạnh khỏe hơn. Chúng ta không thể quên những hình ảnh thương tâm về những phụ nữ “vượt cạn” trong bão lụt, mưa lũ, do thiếu thốn các phương tiện y tế đã không qua khỏi; Sau thiên tai, do nguồn nước và môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, số người bị nhiễm trùng, bị ốm, bị bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa... nhiều hơn cả vẫn là phụ nữ và trẻ em. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho biết, bộ đồ dùng cho nhu cầu vệ sinh cá nhân căn bản trong thiên tai và khủng hoảng bao gồm: Băng vệ sinh làm bằng chất liệu có thể tái sử dụng, quần áo, khăn tắm, xà phòng, bàn chải đánh răng và kem đánh răng. Các hạng mục này có thể đáp ứng cả nhu cầu vệ sinh cơ bản trước mắt của những người dân bị ảnh hưởng và tạo điều kiện cho phụ nữ có thể duy trì cuộc sống.
Cần triển khai mạnh mẽ
Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao và thiên tai ngày càng khốc liệt. Mỗi năm có khoảng hơn 2 triệu người Việt Nam trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Hỗ trợ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai đã được ngành Dân số hưởng ứng, triển khai mạnh mẽ trên toàn quốc, nhằm giảm thiểu gánh nặng thiên tai cho những đối tượng dễ bị tổn thương.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ, ngành Dân số sẽ chú trọng nhiều hơn đối với việc tăng cường đảm bảo dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai; Nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của toàn ngành DS- KHHGĐ; Đảm bảo việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ SKSS và KHHGĐ trước, trong và sau thiên tai nhằm giảm rủi ro về bệnh tật và các hệ lụy không mong muốn khác do các nguyên nhân liên quan đến thiên tai. Cụ thể, ngành DS-KHHGĐ sẽ tập trung vào 5 giải pháp: Thứ nhất: Tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, điều hành, quản lý công tác chuẩn bị, đáp ứng và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai của ngành từ Trung ương đến địa phương; Thứ hai: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; Thứ ba: Tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số các cấp nhằm cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả và kịp thời trong tình huống thiên tai; Thứ tư: Thiết lập cơ chế thông tin trong ngành về để đánh giá tác động thiên tai và làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó với thiên tai; Thứ năm: Triển khai nghiên cứu bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, kỹ năng ứng phó với thiên tai của cán bộ trong ngành.
PV