Người ta có thể khỏe hơn hoặc suy yếu dần thông qua cách ăn uống, nên đây là vấn đề rất quan trọng.

Theo bác sĩ chuyên khoa ung thư David Khayat, tác giả quyển Thực đơn sành ăn của chế độ ăn chống ung thư, thì người ta có thể rút tỉa những nguyên tắc căn bản từ nhiều nghiên cứu khác nhau về chế độ ăn uống ngăn ngừa ung thư: tận hưởng chế độ ăn nhiều chất xơ, trái cây và ngũ cốc, giàu omega-3 và probiotic, ít glucid đơn và acid béo bão hòa, kèm với lượng thịt vừa phải và nhiều nước. Song song là cách chế biến cũng có vai trò rất rõ rệt:

 

 Thức ăn “nướng đến khét” có thể ngon miệng nhưng không tốt cho sức khỏe - Ảnh: Đ.N.Thạch
Thức ăn “nướng đến khét” có thể ngon miệng nhưng không tốt cho sức khỏe - Ảnh: Đ.N.Thạch

 

- Tránh nấu nhanh và nấu ở nhiệt độ cao, có khuynh hướng làm cháy thức ăn (như áp chảo).

- Chọn kiểu nấu chậm như hấp, chưng cách thủy hay gói giấy bạc.

- Không làm cháy các chất béo vì chúng trở nên có hại. Do vậy mà người ta khuyên nên sử dụng dầu ăn hơn là bơ.

- Thực phẩm sống có thể giữ lại mọi dưỡng chất, đặc biệt là cá và rau-củ-quả.

- Phải để cho thịt đỏ chảy hết nước tiết, vì sắt có hại cho sức khỏe khi ở liều lượng cao.

- Nên loại bỏ cách chế biến ở lửa cao. Thịt cháy đen rất độc hại vì đó là carbon.

- Chọn cá nhỏ nhiều omega-3 như cá trích, cá mòi; vì cá lớn có thể bị nhiễm kim loại trong quá trình tăng trưởng.

Cũng theo bác sĩ David Khayat, quá trình ăn uống nên kết hợp nhóm 8 thực phẩm gồm lựu, nghệ, trà xanh, cà chua, tỏi, củ hành, ngũ cốc và rong biển với nhau để có kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, cần phải tuân thủ quy định của từng loại. Thí dụ như nước ép từ lựu chứa nhiều thành chống oxy hóa hơn, cà chua thì nên ăn chín cùng với vỏ, bộ ba trà xanh (hãm từ 5 - 7 phút) - nghệ - tiêu đen sẽ tăng hiệu quả hơn khi ướp các món cá, hải sản hay thịt. Tỏi và hành thì phải băm nhuyễn mới tỏa hết hương vị và tính năng, còn rong biển thì chỉ bỏ vào khi nước dùng sôi và tắt lửa ngay.

 

 

MInh Quân (TNO)