BR-VT có 21 dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó, dân tộc Hoa có số lượng đông nhất với 10.740 người và dân tộc Châu Ro có 8.882 người… Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng các dân tộc ít người ngày càng được cải thiện, nâng cao.

 


Ông Sỳ Xướng Phù (dân tộc Hoa, Phó trưởng ấp Liên Đức, xã Xà Bang, Huyện Châu Đức) cho biết, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS (dân tộc Hoa, Dao, Mường, Tày) tại ấp Liên Đức đã đổi thay. Ấp có 123 hộ gia đình DTTS với 856 nhân khẩu, trong đó, hơn 70% hộ gia đình có kinh tế khá, 95% gia đình đạt chuẩn văn hóa, tỉ lệ con em đồng bào dân tộc đến trường đạt 80%...

Đời sống vật chất, tinh thần của bà con DTTS ở các địa phương khác cũng phát triển hơn. Ông Đào Văn Giả (dân tộc Châu Ro, ngụ tại tổ 1, ấp Vinh Thanh, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức) cho biết, từ năm 1995-2000, gia đình ông thuộc hộ nghèo chuẩn tỉnh. Được giúp vay vốn xóa đói giảm nghèo để chăn nuôi bò, nuôi cá, trồng cây ăn quả… đến năm 2001, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, nay có đời sống kinh tế khấm khá hơn. Không những thế, ông còn tích cực tham gia công tác xã hội như: vận động đồng bào DTTS xây dựng đời sống văn hóa, tham gia tổ hòa giải dân cư, vận động người dân tham gia các chương trình biểu diễn cồng chiêng và giới thiệu ẩm thực, trang phục dân tộc Châu Ro vào các dịp lễ, tết.

Theo ông Hồ Văn Lợi, Giám đốc Sở VHTTDL, những năm qua, với mong muốn giới thiệu các loại hình nghệ thuật, âm nhạc của đồng bào dân tộc ít người, đặc biệt là của dân tộc Châu Ro, ngành VHTTDL đã nỗ lực duy trì, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống với nhiều việc làm như: Phục dựng một số làn điệu dân ca, dân vũ, trình tấu dàn cồng chiêng của đồng bào dân tộc Châu Ro thành những tiết mục văn nghệ tham dự hội diễn nghệ thuật các dân tộc khu vực phía Nam và toàn quốc. Năm 2013, Sở VHTTDL phối hợp với trường Dân tộc nội trú tỉnh, Nhà văn hóa dân tộc các huyện: Châu Đức, Tân Thành, Xuyên Mộc, Đất Đỏ mở các lớp truyền dạy và phổ biến một số làn điệu dân ca cho con em đồng bào dân tộc Châu Ro; sưu tầm, phục chế các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể với các loại nhạc cụ, nhạc khí của dân tộc Châu Ro như: đàn Goongcla, Goongchlo, kèn môi, cầm vuột, kèn bầu...

Ngoài ra, tỉnh đã quan tâm, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa dân tộc gồm: Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh (huyện Châu Đức); Nhà văn hóa dân tộc Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc); Nhà văn hóa dân tộc Châu Ro (huyện Tân Thành); Nhà văn hóa dân tộc Châu Ro (huyện Đất Đỏ). Các nhà văn hóa này đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng bổ ích cho đồng bào các DTTS với các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao được chính quyền địa phương quan tâm tổ chức vào các dịp lễ, tết.

Song song đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng được các cấp, ngành triển khai sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc ít người, tạo môi trường văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tại huyện Châu Đức, một số thôn, ấp tập trung nhiều đồng bào DTTS sinh sống được chọn làm điểm xây dựng mô hình văn hóa như: ấp Sơn Thành (xã Sơn Bình), ấp Liên Đức (xã Xà Bang), ấp Sông Xoài 2 (xã Láng Lớn), thôn Hoa Long (xã Kim Long). Trong đó, ấp Liên Đức có đông đồng bào dân tộc Hoa sinh sống là một trong những điểm sáng của toàn tỉnh trong phong trào xây dựng thôn, ấp và gia đình văn hóa.

Những việc làm trên của ngành VHTTDL và các cấp, ngành, địa phương đã góp phần giúp đời sống văn hóa của đồng bào các DTTS khởi sắc, thu hẹp khoảng cách văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bào DTTS và cộng đồng người Kinh trên địa bàn tỉnh.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.