Nhiều khả năng anh Đỗ Ngọc Nam và chị Huỳnh Thị Lạc (trú thôn Ba Hương, xã Trà Đông, H. Bắc Trà My) là đôi vợ chồng thuộc thế hệ 7X đông con nhất Quảng Nam. Cưới nhau năm 1992, hiện tại đôi vợ chồng thuộc diện hộ nghèo dai dẳng này có tổng cộng 14 đứa con san sát nhau.
"Hết thuốc rồi, nhưng chưa chắc hết đẻ
Người hàng xóm nói một câu như vậy về cặp vợ chồng Nam - Lạc. Ngay ông Trà Văn Tài, bà con bên gia đình anh Nam cũng lắc đầu: "Họp thôn cũng nói, qua nhà chơi cũng nói. Vợ chồng nó ậm ừ nói không đẻ nữa, nhưng rồi cứ tòi ra mỗi năm một đứa. Cán bộ y tế thôn bản đến cho mòn đường, nói cho phát ngại ra mà rồi như nước đổ đầu vịt, quay đi quay lại thấy cái bụng lùm lùm ra rồi".
Nhắc câu chuyện kỷ lục đẻ ở thôn Ba Hương, ông Dương Minh Anh, Chủ tịch UBND xã Trà Đông cũng đỏ mặt tía tai. Nào là Ban chỉ đạo dân số xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở thôn thay nhau đến động viên, tuyên truyền và phổ biến các biện pháp phòng ngừa. Câu trước còn nói vui vẻ, cười hềnh hệch, câu sau là hai vợ chồng vặc lại. Nói đẻ được thì nuôi được, có cần hộ nghèo hộ nghiếc gì đâu mà nói ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.
Nghe đâu có lúc cùn quá, cả hai quay qua lý sự: "làm nhà không cần thuê nhân công, gặt lúa trước nhà huy động bọn chúng ra xếp hàng khuân vào, mỗi đứa cách nhau mấy mét là lúa vào nhà, cả năm bảy đứa mà đi chăn trâu thuê, thu nhập có tháng cao hơn cán bộ" (!). Còn áp dụng biện pháp tránh thai, có biện pháp nào đơn giản hơn đi, chứ "bao bì" thì phiền phức, vòng thì đặt không được, tiêm ngừa thì 3 tháng phải ra xã một lần, quên là hỏng!. "Nhắc đến chuyện ni, xã cũng xấu hổ lắm. Trừ chuyện các cụ ngày xưa quan niệm trời sinh voi, sinh cỏ và cả để có người đi đánh giặc, thì đây có lẽ là kỷ lục không muốn của xã, của huyện, có khi của tỉnh nữa", ông Anh tâm sự.
Bà Hoàng Thị Minh Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ Bắc Trà My nắm rõ cả tên tuổi, năm sinh của từng đứa con anh Nam chị Lạc. "Cán bộ vào phía trước thì họ trốn cửa sau, không khi mô gặp được cùng lúc 2 vợ chồng. Cái việc này, tuyên truyền vận động là chính chứ có cách mô khác", bà Đoàn tâm sự. Bà Đoàn cũng cho hay, giờ có vẻ như họ đã thay đổi được nhận thức, bắt đầu tham gia tiêm ngừa tránh thai rồi, 3 tháng tiêm một lần.
Tôi chợt nghĩ, đây có lẽ cũng là biện pháp cuối cùng có thể áp dụng, mà rồi công việc cũng phải đặt lên vai cán bộ, bởi nội chuyện tiền điện, tiền nước, trả nợ ngân hàng... là những việc phải làm định kỳ hàng tháng mà nhiều người còn quên, huống chi người ta đi làm quần quật suốt ngày. 3 tháng mới "chích" một lần, thưa quá!
Theo CA Đà Nẵng