Cúc tần có vị đắng, cay, thơm, tính ấm, chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe như tinh dầu acid chlorogenic, protid, lipid, canxi, phốt pho, sắt, caroten, vitamin C…

 
Cúc tần là loại cây dại mọc ở ven bờ ao, mé ruộng, thường được trồng làm hàng rào. Cúc tần có vị đắng, cay, thơm, tính ấm, chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe như tinh dầu acid chlorogenic, protid, lipid, canxi, phốt pho, sắt, caroten, vitamin C…

 

Một số bài thuốc:

Chữa nhức đầu cảm sốt:Lá cúc tần tươi 2 nắm, lá sả và lá chanh mỗi thứ một nắm, rửa sạch (hoặc lá cúc tần, lá bàng và lá hương nhu, mỗi thứ một nắm) cho vào nồi với 2-3 bát nước, đun sôi, uống khi còn nóng. Phần bã còn lại đổ nước vào đun sôi tiếp làm nước xông. Cách khác: dùng rễ cúc tần nấu nước uống cũng cho tác dụng giảm sốt rất tốt.

Chữa chấn thương, bầm giập, bong gân:Lá cúc tần giã nát đắp vào chỗ chấn thương cho tới khi khỏi hẳn.

Chữa đau mỏi lưng: Lá cúc tần giã nát, thêm ít rượu đảo cho nóng lên, đắp vào nơi đau ở hai bên thận, làm nhiều lần cho hiệu quả rất tốt.

Chữa cảm ho dai dẳng:Lấy 3 nắm lá cúc tần già rửa sạch, băm nhỏ; 2 nắm gạo vo 1 nước, nửa lạng thịt lợn nạc băm nhuyễn, 2-3 lát gừng tươi. Tất cả cho vào nồi nấu thành cháo, để nhỏ lửa cho cháo nhừ. Ăn nóng khi đói, ngày 3 lần trong 3 ngày.

Chữa đau đầu do suy nghĩ nhiều, tinh thần căng thẳng:Lấy 3 nắm lá cúc tần, rửa sạch; 2 nắm hoa cúc trắng xé thành sợi nhỏ, một miếng đu đủ bằng bàn tay vừa chớm chín, một bộ não lợn. Cho cúc tần, cúc trắng và đu đủ vào nồi với khoảng một lít nước, sôi được 15 phút thì cho não lợn vào, hầm kỹ trong 20 phút. Bắc ra ăn nóng trước bữa cơm, ngày 2 lần trong 7 ngày.

Chữa thấp khớp, đau nhức xương:Rễ cúc tần 15-20g, rễ trinh nữ 20g, rễ bưởi bung 20g, đinh lăng 10g, cam thảo dây 10g, sắc nước uống.

Một số món ngon từ lá cúc tần:

Bánh nếp cúc tần:Bột gạo nếp khô hoặc ướt; lá cúc tần (loại bánh tẻ) một nắm rửa sạch, giã nhuyễn. Hai thứ trộn lại, thêm chút muối tinh, vật bột cho dẻo, nặn thành từng viên hình tròn, cho nhân vào giữa, bọc lại. Nhân bánh có hai loại: nhân ngọt gồm đậu xanh đã nấu chín và đường; nhân mặn gồm thịt băm, mộc nhĩ, hành hoa xào chín. Để bánh tròn hoặc dẹt, cho vào nồi hấp hoặc rán lên, ăn nóng. Không chỉ là món ăn ngon, bánh còn giúp trẻ em giữ ấm dạ dày và trị bệnh cam.

Khi làm món dồi chó, trộn thêm vào nhân một ít lá cúc tần non, rửa sạch, thái nhỏ. Dồi chó có lá cúc tần sẽ có mùi vị thơm ngon đặc biệt, hấp dẫn.

Kho cá với lá cúc tần:Khi kho cá, xếp một lượt lá cúc tần xuống dưới, đến một lượt cá, xen kẽ là gừng, riềng, trên cùng là một lượt lá cúc tần nữa, thêm gia vị, nước hàng, dầu ăn. Cá kho xong có màu cánh gián, vị cay dịu, mùi thơm của cúc tần và gừng riềng cho ta cảm giác là lạ, ăn mãi mà không chán.

 

Theo Vietbao