Người Việt chúng ta thường có khái niệm tuổi ta, tuổi tây, hay còn gọi là tuổi âm, tuổi dương. Thế nhưng theo các nhà khoa học phân tích thì mỗi người chúng ta có tới... 5 loại tuổi trong chu kỳ nhân sinh, xác định theo thời gian, mức độ phát triển về trí tuệ, tâm sinh lý và trình độ xã hội hoá của mỗi con người.
 


Trong giáo dục, người ta thường sử dụng "chỉ số thông minh-IQ" (Intelligence Quetident). IQ thực chất là loại "tuổi trí lực - MA" (Mental Age), vì nó phản ánh trình độ phát triển về trí lực theo từng độ tuổi. Nói cụ thể hơn: Chỉ số IQ được tính dựa trên các mức phát triển "tiêu chuẩn" cho từng độ tuổi. Các số liệu trắc nghiệm trong rất nhiều năm cho thấy, đại đa số chúng ta có chỉ số trí lực trung bình, tức là có IQ xấp xỉ bằng 100; khoảng 18% dân số có IQ cao hơn trung bình (từ 110-119); và khoảng 15% có IQ thấp hơn trung bình (80-90).

Những người có IQ từ 130 trở lên được xem là thông minh đặc biệt; còn những người có IQ thấp hơn 70 thì xếp vào loại trí lực chậm phát triển, thấp hơn nữa là các dạng khuyết tật trí lực. Tuy nhiên "tuổi trí lực-MA" hay "chỉ số thông minh-IQ" chỉ phản ánh tương đối đúng về khả năng theo học trong các trường phổ thông, mà chưa thể phản ánh đầy đủ mức độ thông minh thực sự, cũng như những năng lực tiềm ẩn trong một con người.

Loại thứ ba là "tuổi sinh lý", nó phản ánh mức độ phát triển của con người về mặt sinh lý. Các kết quả nghiên cứu và quan sát cho thấy, ở vùng nhiệt đới, ở những nơi có điều kiện dinh dưỡng tốt, tốc độ phát triển về sinh lý thường sớm hơn độ tuổi thời gian. Còn ở vùng hàn đới, ở những nơi điều kiện dinh duỡng kém và những người mắc một số chứng bệnh mạn tính, tốc độ phát triển về sinh lý thường tụt hậu so với thời gian.

Loại tuổi thứ tư là "tuổi tâm lý". Tuổi tâm lý bao quát cả tuổi trí lực; nó phản ánh những đặc trưng tâm lý của con người tuỳ theo độ tuổi. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, cuộc sống tâm lý của con người có 8 giai đoạn chính: Tuổi ấu thơ, tuổi trước mẫu giáo, tuổi mẫu giáo, tuổi đi học, tuổi vị thành niên, tuổi thanh niên, tuổi trung niên và tuổi lão niên. Mỗi một thời kỳ đều có những đặc trưng nhất định về mặt tâm lý. Thí dụ, trong độ tuổi mẫu giáo ở trẻ nhỏ thiên về trực giác; tuổi vị thành niên nhiều mơ mộng; tuổi lão niên thường hoài cổ...

Cuối cùng là "tuổi xã hội", phản ánh về năng lực xử sự và khả năng thích ứng với hoàn cảnh xã hội của mỗi con người. Tuổi xã hội phụ thuộc nhiều vào trình độ văn hoá, sự từng trải, kinh nghiệm sống và mức độ thành thục về phương diện tâm lý. Điều đó chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trong sinh hoạt hằng ngày: Có một số người mới ít tuổi mà xử thế đã rất lão luyện, thích ứng rất nhanh với những biến động trong xã hội; ngược lại một số người tuổi đã lớn mà xử sự vẫn như trẻ nhỏ và rất lúng túng với những điều diễn ra trong cuộc sống thường nhật.
 

 Theo Báo Quảng Ngãi