Theo ngành y tế, ung thư gây tử vong rất lớn nhưng có tới 40% trường hợp mắc ung thư có thể phòng ngừa được.
 


Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết, hiện nay ung thư đang trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Có khoảng 20 triệu người đang sống chung với bệnh ung thư. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời thì con số này sẽ lên tới 30 triệu vào năm 2020.

Cũng theo thống kê của ngành y tế, các bệnh không truyền nhiễm (bao gồm ung thư, tim mạch, đái tháo đường...) chiếm tới 71% tỷ lệ mắc và 60% tỷ lệ tử vong ở người Việt Nam.

Theo ước tính chưa đầy đủ của ngành y tế, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 ca tử vong do ung thư. Tuy ung thư gây tử vong rất lớn nhưng có tới 40% trường hợp mắc ung thư có thể phòng ngừa được và một số ung thư phổ biến nhất, kể cả ung thư vú, đại trực tràng và cổ tử cung… có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.

Thứ trưởng Lê Quang Cường cũng cho biết thêm, thời gian gần đây, có nhiều bệnh viện và trung tâm ung bướu đã được xây mới và đưa vào hoạt động, nhiều kỹ thuật cao đã được triển khai, tuy nhiên, công tác phòng chống ung thư tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu thực tế. Trang thiết bị cho chẩn đoán, điều trị, chăm sóc còn thiếu ở hầu hết các tỉnh dẫn tới kết quả điều trị không đồng đều và quá tải ở tuyến Trung ương.

Theo nhận định và đánh giá của Bộ Y tế, Nhật Bản hiện là một trong những nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam nói chung và ngành y tế nói riêng. Thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ cho ngành Y tế Việt Nam rất nhiều dự án viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật và nguồn vốn vay ưu đãi.

Cho đến nay, các dự án đều được thực hiện rất hiệu quả và bền vững. Bên cạnh các chương trình dự án truyền thống thông qua JICA, Bộ Y tế đánh giá cao tính hiệu quả của các chương trình hợp tác song phương giữa các đơn vị. Tiêu biểu là chương trình hợp tác giữa Đại học Nagoya và Bệnh viện Bạch Mai./.
 

Theo VOV

.