Hàng loạt vụ bệnh nhân kiện bác sĩ (BS), bệnh viện (BV) với mức bồi thường lớn xảy ra trong thời gian gần đây đã khiến cho dư luận quan tâm. Tuy nhiên, để nhận được tiền bồi thường cũng không dễ khi cả người kiện, luật sư cũng “tù mù” về kiến thức y khoa...
 
 
BS Nguyễn Hoàng Bắc - BV Đại học Y-Dược TPHCM - cho rằng, ngành y cũng như các ngành nghề khác, có đúng có sai, có thành công và thất bại. Việc điều trị- đặc biệt là phẫu thuật cho bệnh nhân- cũng vậy. Không phải cứ mổ là bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn mà y khoa luôn có những tỉ lệ rủi ro, tai biến...
 
 Biết là vậy, nếu tai biến, rủi ro do khách quan thì lại là khía cạnh khác. Còn ở đây, nhiều lúc sự việc xảy ra “sai mười mươi” nhưng BV cứ dây dưa hoặc im lặng và để thời gian xoá dần sự việc. Chẳng hạn vụ nạn nhân Phạm Thị Thanh Xuân (26 tuổi, trú tại phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) bị đau bụng vào BV Đa khoa Phú Thọ thăm khám. BV chẩn đoán bị “u nang buồng trứng bên phải bán xoắn” và chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, BS đã cắt buồng trứng bên trái mà không thông báo cho bệnh nhân biết. Suốt hơn ba năm xảy ra sự việc, nhưng bệnh nhân vẫn chưa tìm được lẽ công bằng.
 
 Luật sư Võ Vương Quân - Đoàn luật sư TPHCM - cho rằng, để kiện BS và BV không dễ chút nào, vì nhiều trường hợp không có giám định pháp y. Thông thường, cả nạn nhân và luật sư vì không có kiến thức y khoa nên đành phải chờ hội đồng chuyên môn của BV họp. BV vừa làm sai, lại vừa thành lập hội đồng để xem xét mình có sai hay không liệu có khách quan? Nếu gia đình không đồng ý với kết quả trên, có thể khiếu nại lên sở y tế. Hội đồng chuyên môn do sở thành lập cũng căn cứ vào bệnh án do BV cung cấp. Nếu BV cố tình “làm đẹp” bệnh án thì cũng khó có thể phát hiện được...
 
 Theo luật sư Quân, nếu để sự việc trôi qua hằng tuần, hằng tháng, thậm chí một năm sau mới khiếu nại thì vụ việc có thể diễn tiến theo hướng khác, khi đó xác định ai đúng, ai sai rất khó. Đây cũng là nguyên nhân khiến những vụ kiện liên quan đến y tế vừa phức tạp, vừa không thể giải quyết dứt điểm.
 
Theo Võ Tuấn
Lao động
.