“Mang thai ở tuổi vị thành niên” là chủ đề được Quỹ Dân số Liên hợp quốc lựa chọn cho Ngày dân số thế giới năm nay nhằm cảnh báo tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nội dung của chủ đề cũng truyền tải thông điệp: cần trang bị cho vị thành niên, thanh niên - thế hệ tương lai nhưng kiến thức về giới, về sức khỏe sinh sản một các đầy đủ, an toàn và đúng đắn nhất. Bởi mang thai ở tuổi vị thành niên không đơn thuần chỉ là vấn đề sức khỏe mà nó có nguyên nhân sâu xa từ nghèo đói, bất bình đẳng giới, bạo lực và tảo hôn...
 


Đói nghèo là nguyên nhân chính

Quỹ Dân số Liên hợp quốc nhấn mạnh, mang thai ở tuổi vị thành niên không đơn thuần là vấn đề sức khỏe, bởi ở tuổi này các em chưa phát triển toàn diện về mặt thể chất cũng như yếu tố tâm lý. Khi cơ thể chưa trưởng thành mà mang thai, sinh nở sẽ tiềm ẩn nhiều biến chứng. Một người mẹ chưa phát triển đầy đủ thì chắc chắn việc nuôi dưỡng thai nhi cũng không thể tốt được. Những bất thường như: tiền sản giật, bào thai suy dinh dưỡng, thai kém phát triển, chết lưu trong tử cung, rau tiền đạo… là nguyên nhân dẫn đến tử vong cho cả mẹ và con khi mang thai ở độ tuổi này.
 
Thống kê cũng cho thấy, những bà mẹ ở tuổi vị thành niên điều là những bà mẹ bất đắc dĩ. Nguyên nhân khiến các em gái trở thành mẹ một cách thụ động là do: đói nghèo, bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết, không có cơ hội được tiếp cận với các chương trình tuyên truyền, truyền thông về giới và sức khỏe sinh sản… Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho biết, trên toàn thế giới có trên 16 triệu em gái từ 15-19 tuổi sinh con mỗi năm, các biến chứng khi mang thai và sinh con là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho các em, số trẻ này tập trung ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trẻ em gái sẽ mất nhiều cơ hội vì mang thai sớm, nếu đi đến hôn nhân hoặc sinh con thì bản thân các em gái sẽ mất đi cơ hội học hành, không có công ăn việc làm, thiếu kiến thức chăm con và là gánh nặng cho gia đình và xã hội.  

Quỹ Dân số Liên hợp quốc kêu gọi, vị thành niên và thanh niên cần được giáo dục giới tính toàn diện và phù hợp để các em có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình. Cùng với đó, xã hội cần trang bị sẵn dụng cụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng dành cho vị thành niên, để các em được quyết định và lựa chọn một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn.

Tuổi vị thành niên cần được quan tâm hơn nữa

Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam hơn 1/3 thanh niên chưa được tiếp cận với các phương tiện tránh thai, theo các chuyên gia đây là một con số đáng báo động. Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho biết, nguyên nhân dẫn đến có con số đáng  buồn này là bởi trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ chỉ tập trung  nhằm mục đích cao nhất là kiểm soát mức sinh, giảm sinh. Do đó, đối tượng ưu tiên trong giảm sinh là phụ nữ, nam giới đã có gia đình. Với đối tượng vị thành niên, thanh niên chưa có gia đình trong giai này chưa có sự quan tâm đúng mức. Từ năm 2003 công tác DS- KHHGĐ với vị thành niên, thanh niên mới thực sự được đề cập tới. Hiện nay, Tổng cục DS-KHHGĐ đang triển khai nhiều mô hình, biện pháp để quan tâm hơn đến đối tượng này, đặc biệt là độ tuổi vị thành niên nhằm giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, quan hệ tình dục không an toàn.

Theo thống kê ở Việt Nam cứ 5 ca nạo phá thai có một ca nạo phá thai ở tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, hiện nay tại nông thôn, đặc biệt là thành thị, tuổi vị thành niên lại có xu hướng quan hệ tình dục ngày càng sớm hơn. Các em hầu như chưa có gia đình, phá thai là biện pháp duy nhất để các em không trở thành mẹ ngoài ý muốn. Vì vậy, tỷ lệ nạo phá thai đang tăng lên ở đối tượng này. Theo số liệu của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, tỷ lệ vị thành niên có thai trong tổng số người mang thai tăng liên tục qua các năm: Năm 2010 là 2,9%, năm 2011 là 3,1% và đến năm 2012 là 3,2% tương ứng với tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi  này là 2,2% (2010), 2,4% (năm 2011) và 2,3% năm 2012. Chúng ta đều biết nạo phá thai, nhất là nạo phá thai không an toàn có thể ảnh hưởng đến tính mạng cũng như để lại những di chứng về sau cho các em như: vô sinh, tắc nghẽn vòi trứng, tổn thương cổ tử cung, thậm chí là vô sinh… Hiện Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số nước ta, mà điều đáng lưu tâm hơn là nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Tình trạng tảo hôn ở khu vực  miền núi lại là vấn đề nổi cộm, nhức nhối. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện nay tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, dân tộc thiểu số. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung vào khu vực này nhiều hơn và giải pháp chủ yếu là truyền thông, để vị thành niên hiểu rõ quan hệ tình dục, mang thai ở tuổi này rất nguy hiểm và sẽ dẫn đến các hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, sẽ giáo dục các em các phương pháp tránh thai và tình dục an toàn.

Tuy nhiên, bên cạnh biện pháp tuyên truyền, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần nâng cao đời sống kinh tế, giảm đói nghèo, dần  xóa bỏ những hủ tục không tốt đối với các em gái miền núi, tiến tới bình đẳng giới, có như vậy chúng ta mới dần giải quyết tận gốc vấn đề này.
 

Mai Hòa