(BVPL) - Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 đã đề cập đến một số giải pháp linh hoạt để thu hút lao động tham gia BHXH tự nguyện như: không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện; hạ mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng; linh hoạt trong phương thức đóng; hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách Nhà nước. Theo đó, các chế độ BHXH đã được thiết kế phù hợp, bảo đảm công bằng giữa các mức đóng và mức hưởng quyền lợi của người lao động, người thụ hưởng BHXH, trách nhiệm của các bên được quy định cụ thể, rõ ràng, phù hợp với sự thay đổi phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cần phải chứng minh được tính ưu việt của việc tham gia BHXH tự nguyện.
 


Theo thống kê, lực lượng lao động phi chính thức tại Việt Nam chiếm tới 63% trong tổng số lực lượng lao động, đóng góp tới 20% tổng thu nhập quốc nội, chiếm 70% số giờ lao động của quốc gia. Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 đã có một số giải pháp linh hoạt để thu hút lao động tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, trong quá trình thực hiện chính sách cần đơn giản về thủ tục khi tham gia, dễ dàng thay đổi khi người lao động có nhu cầu, hệ thống quản lý hiện đại liên kết với nhau.

Hơn 213 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, trong số này phần lớn là những lao động đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc nhưng còn thiếu thời gian nghỉ nên mới tự nguyện đóng để có đủ năm đóng. Từ ngày 1/1/2016, đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc sẽ được mở rộng tới tất cả người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ ngày 1/1/2018, Luật tiếp tục mở rộng tới những người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 tháng trở lên và người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện từ ngày 1/1/2016 là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc, bỏ quy định giới hạn về trần tuổi khi tham gia BHXH tự nguyện. Cùng với đó, Luật quy định linh hoạt về mức đóng, phương thức đóng góp và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân khi tham gia BHXH tự nguyện. Mục tiêu được đặt ra là tới năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH nhằm đảm bảo sử dụng an toàn và đảm bảo cân đối quỹ BHXH.

Phân tích về tính khả thi của quy định về BHXH tự nguyện, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Minh Huân cho rằng: Đây là một thách thức lớn, để mở rộng đối tượng tham gia loại hình này, trước hết cơ quan BHXH các cấp cần cung cấp thông tin rõ ràng để người dân có thể biết mức đóng, mức hưởng lợi, thậm chí việc sử dụng tiền đóng BHXH được sử dụng vào việc gì, mức sinh lời ra sao. Thông tin minh bạch rõ ràng sẽ giúp nhân dân hiểu rõ chính sách của Nhà nước và yên tâm tham gia.  

Bà Nguyễn Nguyệt Nga, Chuyên gia cao cấp Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho biết về những kinh nghiệm quốc tế có thể áp dụng trong việc xây dựng và mở rộng diện bao phủ BHXH tại Việt Nam: “Muốn mở rộng ra bảo hiểm khu vực phi chính thức thì sẽ không thể làm được nếu không có sự trợ giúp của Chính phủ; Thứ hai là khi chúng ta tính đến phương án có sự trợ giúp của Chính phủ thì có kiến nghị dựa trên cơ sở kinh nghiệm của nước khác, nếu chúng ta có tỷ lệ hỗ trợ cào bằng cho tất cả các đối tượng dựa trên cơ sở mức đóng góp đưa ra thì ngân sách Nhà nước sẽ không đảm bảo được và không công bằng”.

Việc bỏ giới hạn trần tuổi tham gia, hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, hỗ trợ tiền đóng và quy định mức đóng, phương thức đóng BHXH linh hoạt sẽ làm cho chính sách BHXH tự nguyện phù hợp với khả năng của người dân và hấp dẫn hơn, diện bao phủ BHXH cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, với việc hạ mức thu nhập tối thiểu làm căn cứ đóng BHXH, mức lương hưu sau này sẽ thấp do người dân có tâm lý chỉ đóng theo mức thu nhập tối thiểu và với thời gian tối thiểu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.  

Việc tuyên truyền cần hướng tới đúng đối tượng, mỗi đối tượng phải có chính sách đi kèm. Có thể khuyến khích họ tham gia BHXH bằng sự hỗ trợ ở mức nào đó từ phía Chính phủ. Đây sẽ là áp lực, thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc mở rộng đối tượng tham gia cũng như bảo đảm sự bền vững của quỹ BHXH. Chính sách an sinh xã hội dù nhân văn đến mấy mà không đến được với người dân thì chính sách đó cũng đóng băng. Chủ trương sửa đổi Luật BHXH là đúng đắn, tuy nhiên BHXH Việt Nam cần phải chứng minh được tính ưu việt của việc tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, cần phải làm rõ về lâu dài người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi gì, lợi ích của những chế độ này như thế nào với người dân...
 

Hà Nhân

.