Đêm 10/7, đang ngủ, anh Nguyễn Văn Lệnh thấy đau nhói ở tay liền lấy tay đập vào chỗ nhói, bắt ngay được một con bọ xít. Vết bọ xít đốt sưng tấy, khiến anh ngứa ngáy, đau rát và hâm hấp sốt nên phải vào viện khám ngay trong đêm.
4 ngày bị đốt 2 lần
Chiều 14/7, đường dây nóng báo Dân trí nhận được cuộc gọi từ vợ anh Lệnh, thông báo về tình trạng anh này bị bọ xít đốt tới 2 lần chỉ trong vòng 4 ngày.
Sau lần bị đốt đầu tiên và tới bệnh viện 354, anh Lệnh được một bác sỹ khám và nói rằng bị dị ứng sau đó cho tiêm 2 mũi và uống thuốc. Sau đó, cơn đau do vết sưng tấy có giảm, nhưng nốt đốt vẫn sưng vù và ngứa rát.
|
Anh Lệnh và con bọ xít - thủ phạm đã khiến anh phải hai lần nhập viện trong đêm vì ngứa ngáy không thể chịu nổi. Ảnh: bạn đọc cung cấp |
Đáng nói, vào 3h30 sáng hôm nay (14/7), anh Lệnh lại bị bọ xít hút. Cũng chỉ với một vết đốt, anh lại có triệu chứng y như lần bị bọ xít đốt lần đầu. Vợ chồng anh Lệnh liền bắt con bọ xít cho vào chai và tới bệnh viện 354 để khám vì người cũng nóng sốt, sưng tấy.
Anh Nguyễn Văn Lệnh hiện trọ tại số nhà 36, ngách 26+27, dốc bệnh viện phụ sản Hà Nội. Sau khi anh bị đốt sưng đau tới mức phải nhập viện, nhiều người sinh sống, ở trọ tại khu vực này rất hoang mang vì ban ngày họ đều không thấy con vật này, nhưng đêm tới lại bị đốt.
“Sau lần bị đốt đầu tiên, tôi đã rất cẩn trọng lật tung giường chiếu nhưng không thấy gì, nghĩ chỉ có một con. Không ngờ lại bị đốt lần hai, cũng với giống bọ xít đó”, anh Lệnh nói.
Sự việc anh Lệnh bị bọ xít đốt hai lần và phải đi viện cả hai khiến nhiều người dân sinh sống tại khu vực này rất hoang mang, lo lắng. Bởi việc phát hiện chúng không dễ, chúng luôn “rình” để đốt người lúc về đêm.
TS Trương Xuân Lam, Trưởng Phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, một tháng trở lại đây, số điện thoại phòng anh cũng luôn “nóng” bởi rất nhiều người dân gọi đến thông báo việc họ bị bọ xít đốt sưng tấy, ngứa ngáy khó chịu. Nhiều ổ bọ xít hút máu cũng được phát hiện. Từ đầu mùa hè, Viện đã phát hiện 7 ổ bọ xít từ 30 - 50 cá thể, rải rác ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Gia Lâm… nhưng viện cũng không đủ nhân lực để đi diệt ổ bọ xít, nên chỉ có thể hướng dẫn người dân.
Bọ xít ngày càng “hung hăng”
Qua thu thập các cá thể bọ xít năm nay, TS Lam cho biết, đây vẫn là loài bọ xít như năm ngoái. “Tuy vẫn là loài bọ xít cũ, nhưng khả năng tấn công con người của chúng dường như tăng lên, có tính chất nguy hiểm hơn vì chúng dạn người hơn, tấn công con người quyết liệt hơn. Trước đây, máu động vật là món ưa thích của bọ xít, giờ bọ xít tấn công con người chủ động hơn, không cần đợi có cơ hội mà tấn công bất cứ thời điểm nào”, TS Lam nhận định.
Như trường hợp một cháu bé ở Hà Nội viện vừa tiếp xúc tuần trước, cháu bé này bị bọ xít tấn công khi đang nằm trên ghế sofa phòng khách. Em bé bị bọ xít đốt nhiều nốt toàn thân, các nốt đều sưng đỏ khiến bé rất khó chịu và cũng phải đi khám và được kê thuốc dị ứng.
|
Trên một cánh tay mà có tới 4 nốt bọ xít hút máu. Ảnh: TS Lam cung cấp |
Đáng nói, số người bị bọ xít đốt bị dị ứng sưng, ngứa phải nhập viện có xu hướng tăng lên. Trong số những cuộc gọi tới viện, cứ 100 người thì có khoảng 60 người nói họ phải đi viện khám vì sưng tấy, ngứa rát không chịu được. Còn 6 bệnh nhân mà cán bộ Viện vừa tiếp xúc được trong tuần qua thì cũng có 2 trường hợp phải tới viện vì vết đốt sưng, ngứa, thậm chí có sốt. Chưa có cơ sở để nói bọ xít hút máu thời điểm này "độc" hơn nên gây sưng tấy cho người bị đốt, mà phần lớn là do người dân nhận thức tốt hơn về vấn đề bị bọ xít hút máu (cũng như với nhiều loại côn trùng khác), bị đốt thì tới viện để khám.
Loài bọ xít này trú ngụ tại những nơi chật hẹp, ẩm thấp. Như tại khu vực dốc bệnh viện phụ sản Hà Nội, có rất nhiều nhà trọ giá rẻ dành cho những người có thu nhập thấp với cảnh chật chội, đông người ở và không đảm bảo vệ sinh. Bởi vậy, đây rất có thể là một môi trường thích hợp cho bọ xít hút máu người ẩn nấp và phát triển.
Tuy loại bọ xít ở Việt Nam không gây lây truyền bệnh Chagas nhưng khi đốt gây cảm giác khó chịu, đau rát và ngứa tại vết đốt, đặc biệt là đối với người có cơ địa dị ứng. Vì thế, khi bị bọ xít đốt, nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, tránh không gãi tại chỗ vết đốt, nếu vết đốt sưng nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng.
Về kinh nghiệm diệt bọ xít, TS Lam cho biết, với những ổ trên 100 cá thể thì Viện dùng hóa chất, nhưng hiện đang tiến hành nghiên cứu thêm trên nhiều cá thể để tìm được loại hoát chất diệt bọ xít hiệu quả nhất. Còn khi phát hiện bọ xít riêng lẻ và ổ nhỏ dưới 100 cá thể thì thường hướng dẫn dân tự bắt, diệt bằng lửa, sau đó rắc vôi bột.
Còn Bộ Y tế khuyến cáo người dân ở vùng đã phát hiện có bọ xít hút máu cần ngủ màn, giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào màn đốt người. Khi phát hiện bọ xít nên tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm và diệt bọ xít. Thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt,phun diệt bằng các sản phẩm hóa chất diệt côn trùngđã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành nếu phát hiện thấy bọ xít.
Theo Dantri