Theo đó, Anh Đ. đã có một thời gian dài mắc bệnh, sử dụng thuốc kháng sinh và điều trị tích cực tại nhiều bệnh viện với chẩn đoán bệnh phổi mô kẽ tiến triển cấp tính, toàn trạng rất yếu. Đây là bệnh lý phổ biến thứ hai trên thế giới có chỉ định ghép phổi.

Do đó, bệnh nhân đã được làm thăm dò và chờ đợi ghép phổi tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Được biết, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có kinh nghiệm ghép phổi, nên xin chuyển người bệnh đến đây để thực hiện ca đại phẫu.

leftcenterrightdel
 Êkip bác sĩ thực hiện ca ghép phổi cho bệnh nhân

Ngày 7/5, bệnh nhân N.V.Đ. nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, khó thở, vã mồ hôi, thể trạng suy kiệt, mạch nhanh… được cấp cứu thở máy không xâm nhập ngay sau khi vào viện.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, bệnh viện đã tiến hành khám, xét nghiệm, mời các chuyên gia đầu ngành hội chẩn, chỉ định ghép phổi cho bệnh nhân Đ. dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Bệnh nhân Đ. còn chỉ định ghép phổi nhưng thuộc đối tượng ghép phổi có nguy cơ cao do thể trạng suy kiệt, chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp, bệnh nhân chỉ sinh hoạt tại giường, thở oxy liên tục, chức năng các cơ quan không tốt vì bệnh phổi giai đoạn cuối nên, dinh dưỡng kém, thể trạng suy kiệt…

Do đó, toàn viện thống nhất ghép phổi nhưng trong thời gian chờ phổi tương thích, bệnh nhân tiếp tục được điều trị chống nhiễm khuẩn hệ hô hấp, tập phục hồi chức năng, nuôi dưỡng dinh dưỡng tích cực.

Ngày 13/5, có một bệnh nhân không may mắn bị chết não do chấn thương sọ não, người nhà đã tình nguyện hiến đa tạng bao gồm: 1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận.

Sau khi đánh giá hai phổi của người hiến phù hợp với bệnh nhân Đ., ê kíp phẫu thuật do PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức làm trưởng kíp.

Sau ghép, bệnh nhân được chuyển về điều trị tại khoa Hồi sức tích cực sau mổ của Trung tâm Tim mạch và lồng ngực.

Tuy nhiên, quá trình hồi sức ca ghép phổi cho bệnh nhân Đ. kéo dài với nhiều khó khăn, thách thức vì bệnh nhân bị suy kiệt, các cơ yếu, tình trạng nhiễm trùng phổi sau ghép kéo dài, phục hồi niêm mạc đường hô hấp diễn ra rất chậm.

Do đó, công tác săn sóc đường hô hấp cho bệnh nhân rất kỳ công, như việc soi, hút hàng ngày, tập lý liệu pháp hô hấp phục hồi chức năng hô hấp và ho khạc dờm rãi, tránh ứ đọng có thể làm tình trạng nhiễm trùng phổi nặng hơn.

leftcenterrightdel
 Bệnh nhân Đ. và người nhà.

Sau hơn 3 tháng hồi sức tích cực sau ghép, bệnh nhân đã tự thở, ho khạc tốt, nói chuyện, đi lại được, ăn uống tốt. Bệnh nhân đã được xuất viện và hẹn khám kiểm tra định kỳ.

Bệnh nhân N.V.Đ vui mừng chia sẻ: “Khi nghe tin được ra viện trở về bên gia đình, tôi hồi hộp, nghẹn lòng vui mừng khôn xiết. Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn. Các bác sĩ đã cứu cuộc đời tôi”.

Sự thành công của ca ghép phổi cho bệnh nhân N.V.Đ. đánh dấu là ca ghép phổi thứ 8 tại Việt Nam,và là ca thứ 5 được thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện.

Đây cũng là ca bệnh phổi mô kẽ đầu tiên được ghép phổi tại nước ta. Điều này rất có ý nghĩa rất lớn, vì bệnh phổi mô kẽ chiếm tới gần 30% số ca được ghép phổi trên thế giới và là bệnh có tiên lượng điều trị sau ghép dè dặt nhất.

Kể từ ca ghép phổi đầu tiên năm 2018, các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã làm chủ kỹ thuật được coi là đỉnh cao của y học, với niềm hy vọng điền tên Việt Nam trên bản đồ ghép phổi thế giới.

 

Huân Thu