Kiểm soát tai biến y khoa
Cập nhật lúc 18:00, Thứ sáu, 13/12/2013 (GMT+7)
Tai biến y khoa luôn cận kề trong các cơ sở khám chữa bệnh. Việc hoàn thiện và tuân thủ các quy trình sẽ giúp giảm thiểu các sai sót.
Mổ nhầm, mũi tiêm không an toàn
Cục Quản lý dược Việt Nam vừa ra thông báo đình chỉ lưu hành toàn quốc đối với lô nước cất tiêm không đạt tiêu chuẩn về nội độc tố vi khuẩn, do lô thuốc tiêm này bị nhiễm vi khuẩn. Trước khi bị đình chỉ lưu hành, lô sản phẩm này đã gây nên phản ứng cho các trường hợp sau tiêm với các biểu hiện như rét, run giật. Trung tâm quốc gia theo dõi tác dụng không mong muốn và phản ứng có hại của thuốc đã ra thông báo cho biết, 8 trường hợp bị phản ứng sau khi sử dụng thuốc tiêm trên.
Theo TS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, thì các nghiên cứu tại nhiều quốc gia đã đưa ra kết luận: bước lên máy bay, đi ô tô và vào bệnh viện thì nơi có nguy cơ rủi ro cao nhất là bệnh viện. “Tai biến y khoa luôn kề cận, có thể xảy ra ngay cả với người lâu năm trong nghề. Khoảng 30% tai biến y khoa liên quan đến cá nhân. Một kỹ thuật thông thường nhất, phổ biến trong bệnh viện là tiêm cũng còn nhiều yếu tố không an toàn”, TS Mục cho biết.
Nghiên cứu tại 8 bệnh viện thuộc các tỉnh thành của cả nước mới đây cho thấy vẫn còn 17 - 22% mũi tiêm chưa tuân thủ đầy đủ các bước quy định về tiêm an toàn do: chưa rửa tay trước khi tiêm; dụng cụ đựng kim tiêm nhiễm khuẩn, chưa đúng quy định... Nghiên cứu tại một bệnh viện đầu ngành ngoại khoa trong năm 2013 cho biết, tại khoa điều trị theo yêu cầu vẫn còn sự cố nhầm lẫn khi chuyển người bệnh vào phòng mổ. Nguyên nhân do điều dưỡng gọi tên bệnh nhân không kèm theo ngày tháng năm sinh, trong khi đó có hai bệnh nhân giống nhau hoàn toàn về tên gọi được xếp mổ cùng thời điểm.
“Ngay cả khi đưa vào phòng mổ rồi vẫn nhầm vì có thể có 2 bàn mổ trong một phòng. Từng xảy ra trường hợp bệnh nhân dạ dày thì chuẩn bị mổ thận và ngược lại. Chỉ đến khi hai phẫu thuật viên tiến hành cuộc mổ mới phát hiện là không phải bệnh nhân của mình”, một bác sĩ ngoại khoa cho biết.
Hết sức cẩn trọng
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất trong năm 2013 với 104 điều dưỡng tại một bệnh viện tỉnh: chỉ có 3/104 điều dưỡng tuân thủ đủ 18/18 bước (đảm bảo mũi tiêm an toàn) khi thực hiện tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân. Rửa tay và sát khuẩn là 2 bước quan trọng cho tiêm an toàn thì có tỷ lệ làm sai hoặc không làm nhiều nhất (48% và 52%). Với nghiên cứu này, chưa đến 3% đạt mũi tiêm an toàn.
TS Phạm Đức Mục cho rằng tiêm là kỹ thuật phổ biến hằng ngày khi điều trị, nhưng vẫn nhiều mũi tiêm chưa an toàn như hiện nay sẽ dẫn đến tai biến y khoa vì có thể gây nhiễm trùng, làm lây truyền vi rút gây bệnh cho người bệnh. Điều dưỡng cũng có thể là “nạn nhân” của tiêm không an toàn, đó là nguy cơ bị phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh do kim tiêm đâm trong quá trình thao tác không đúng.
TS Phạm Đức Mục lưu ý, các tai biến y khoa có thể xảy ra: quên bông, gạc; quên dụng cụ y tế khi phẫu thuật; mổ nhầm; tiêm nhầm thuốc, tiêm không đảm bảo vô khuẩn gây nhiễm trùng; nhiễm trùng bệnh viện. Để giảm thiểu các tai biến y khoa, các nhân viên y tế cần tuân thủ quy trình. Trong các cuộc mổ cần kiểm tra bệnh nhân trước mổ; xác định chính xác bệnh lý cần phẫu thuật; đếm băng gạc, kiểm dụng cụ y tế trước và sau mổ; nắm chắc các quy trình và tuân thủ đầy đủ các quy trình chuyên môn khi thực hiện các thủ thuật.
Theo Thanh niên
.