(BVPL) - Theo số liệu báo cáo của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Việt Nam luôn đứng trong top 10 nước tiêu thụ amiang nhiều nhất thế giới. Hiện tại, thế giới đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại Amiang vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người… Tại hội thảo đẩy nhanh lộ trình ngừng sử dụng amiang tại Việt Nam vào năm 2020 do VUSTA) vừa được tổ chức, đại diện Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ đã hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan tới amiang.

 


Amiang là loại khoáng chất Silicat dạng sợi. Do amiang có tính năng đặc biệt như: có độ bền cơ học, bền hóa chất cao, chịu nhiệt, ma sát, cách điện nên khoáng chất này được sử dụng rộng rãi để sản xuất hàng ngàn loại sản phẩm trong các ngành công nghiệp xây dựng, đặc biệt là để sản xuất tấm lợp amiang - xi măng. Cho đến nay, đã có 54 nước cấm sử dụng hoàn toàn amiang và rất nhiều nước đã giảm mạnh sử dụng amiang.

Tuy nhiên, Việt Nam lại luôn là nước đứng trong top 10 nước tiêu thụ amiang nhiều nhất thế giới. Hầu hết amiang sử dụng cho nhu cầu trong nước được nhập khẩu từ nước ngoài, trung bình hàng năm lượng amiang tiêu thụ khoảng 60 nghìn tấn/năm. Trung bình mỗi năm Việt Nam dùng amiang để sản xuất và đưa vào sử dụng khoảng 100 triệu m2 tấm lợp amiang. Nhiều nhà khoa học đưa ra khuyến nghị, chấm dứt sử dụng là biện pháp hiệu quả nhất để dự phòng các bệnh liên quan đến amiang. Có một số nước tuy không quy định cấm nhưng đã giảm hoàn toàn, không dùng amiang trắng nữa vì chi phí đền bù, giải quyết hậu quả đối với người bị bệnh do amiang trắng gây nên rất cao.

PGS. Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho rằng, cần phải có công bố rõ ràng amiang trắng là chất gây ung thư phổi. “Ở Australia có 20 triệu dân thì có 18.000 ca ung thư vì amiang. Nhưng thống kê ở Việt Nam thì chỉ có 8 ca ung thư vì amiang. Đây là con số mang nhiều nghi vấn. Chúng ta ít phát hiện ra bệnh do amiang trắng gây nên ở Việt Nam vì chúng ta chưa nghiên cứu bài bản, khoa học. Nhưng không thể kết luận amiang trắng không độc. Đề nghị  công nhận rằng amiang trắng có gây ung thư phổi, nhằm cảnh báo sự độc hại cho toàn dân được biết và phòng ngừa”

Theo một thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2008 giá trị kinh tế sản xuất amiang mang lại là 802 triệu USD, trong khi chi phí điều trị bệnh do amiang là 2,4 tỷ USD (gấp ba lần). Rõ ràng, số tiền phải chi cho y tế, môi trường để khắc phục hậu quả của amiang sẽ gấp nhiều lần so với giá trị kinh tế mà nó mang lại. PGS. Nguyễn An Lương cho rằng: Nếu Việt Nam tranh luận với thế giới rằng, amiang trắng không độc hại thì tôi kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, dưới sự giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức đối thoại với các nhà khoa học, nghiên cứu một cách cơ bản có hệ thống tác hại của amiang trắng. Các nhà khoa học sẽ sẵn sàng phản biện và đưa ra cơ sở khoa học nếu họ dám đối thoại. Tôi phát biểu điều này là vì sức khỏe người lao động, vì tương lai đất nước này mấy chục năm sau nữa. Đừng đánh đổi tương lai dân tộc này vì lợi ích kinh tế. Đừng vì công việc của vài nghìn người lao động mà làm ảnh hưởng tới sức khỏe chung của cộng đồng.

Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi người lao động tiếp xúc với môi trường có amiang trắng. Đặc biệt là theo dõi hồ sơ sức khỏe của những người tiếp xúc với môi trường có amiang trắng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh cho ý kiến, vấn đề cấm sử dụng amiang trắng cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng vừa đảm bảo sức khỏe nhân dân và sự phát triển bền vững. Các Bộ, ngành có liên quan, Bộ Y tế cần tranh thủ nguồn lực, nghiên cứu để có những chứng cứ thuyết phục dựa trên cơ sở khoa học về bệnh liên quan tới amiang trắng.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, Bộ sẽ có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất Việt Nam chính thức ủng hộ đưa amiang trắng vào phụ lục III của Công ước Roterdam, dần hạn chế việc sử dụng amiang trong sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao công nghệ sản xuất khép kín và tự động hóa nhằm bảo đảm sợi amiang không bị phát tán ra bên ngoài giúp bảo vệ sức khỏe người lao động, người dân và môi trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đã đưa ra lộ trình cách đây nhiều năm. Bây giờ phải có kế hoạch thực hiện lộ trình chứ không thể kéo dài chuyện này. Bên cạnh đó, cần quyết định bố trí ngân sách để làm tấm lợp thay thế tấm lợp amiang.
 

Tú Uyên

.