Liên quan đến tội ngoại tình được quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 2015 sẽ có hiệu lực bắt đầu từ 1/7/2016, nhiều luật sư cho rằng mặc dù đã được sửa đổi từ Điều 147 Bộ luật Hình sự hiện hành (BLHS 1999), song các điều khoản thi hành vẫn không khả thi, khó áp dụng trong thực tiễn để kết tội người ngoại tình.
 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Giới luật sư cho rằng, sơ hở của Bộ luật Hình sự 2015 hay BLHS 1999 có lẽ bắt nguồn từ đạo luật gốc quy định về vấn đề này là Luật Hôn nhân và gia đình. Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành quy định: Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Ở đây, khái niệm chung sống với nhau như vợ/ chồng thật trừu tượng và dễ dẫn đến việc hiểu sai luật.

Tại Khoản 1, Điều 147 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm.

Hạn chế của điều luật này không chỉ là việc khó xác định thế nào là chung sống như vợ chồng, mà còn trừu tượng bởi việc không rõ định lượng thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, ngay cả khi bắt quả tang 2 người có vợ/ chồng (hoặc một bên có vợ/ chồng) dẫn nhau vào nhà nghỉ thì cũng khó có thể kết tội được họ. Nguyên nhân không thể kết tội được người ngoại tình trong trường hợp này là tôi đâu có “chung sống như vợ/ chồng” với anh ta (hoặc cô ta), đồng thời việc chúng tôi “vui vẻ” cũng đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng nào đâu?

Chính vì hạn chế của Điều 147 Bộ luật Hình sự hiện hành nên khi sửa đổi pháp luật hình sự, cơ quan soạn thảo đã cụ thể hóa thế nào là hậu quả nghiêm trọng, chứ không dùng cụm từ đó nữa. Tại Khoản 1, Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Song, đáng tiếc là dù đã khắc phục được khái niệm trừu tượng của cụm từ không định lượng “gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng Bộ luật Hình sự 2015 lại chưa tính đến khái niệm thế nào là sống chung như vợ chồng. Sự quy định chung chung kiểu như vậy trong luật không chỉ gây khó cho các cơ quan tư pháp trong quá trình tố tụng, khó tránh khỏi việc áp dụng pháp luật không thống nhất, chưa kể những tiêu cực phát sinh khi xử lý các vụ việc cụ thể. Dư luận hy vọng khi soạn thảo và thông qua luật cần cân nhắc để tránh việc “bất khả thi” trong thực tế. 

 

Theo Đại đoàn kết

.