Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết từ nay đến hết năm 2016 cũng chưa có vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1. Nhiều câu hỏi cho rằng Bộ Y tế không cho nhập để mở rộng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng
 


Vắc xin dịch vụ ở Việt nam: Bộ Y tế cấm nhập?


Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết hiện nay phản ứng sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem đã được công bố. Từ đầu năm đến nay có 8 ca tử vong sau khi tiêm. Kết luận của hội đồng chuyên môn là 7 ca là trùng hợp ngẫu nhiên, 1 ca do sốc phản vệ.

Tỷ lệ tai biến sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem là 4,5 /triệu liều trong khi đó WHO khuyến cáo là 20/triệu liều. Vắc xin dịch vụ vô bào và vắc xin toàn tế bào đều có tỷ lệ tai biến tương đương nhau nhưng vì số lượng tiêm vắc xin dịch vụ quá nhỏ nên không thể thống kê được số ca tai biến.

Nói về vắc xin dịch vụ trong thời gian tới, ông Phu cho biết từ nay đến hết năm 2016 cũng chưa có vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1 để cho bà con sử dụng. Nhiều câu hỏi cho rằng Bộ Y tế không cho nhập để mở rộng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, ông Phu cho rằng điều này là sai vì đến nay, Bộ Y tế vẫn giao cho các công ty đầu mối nhập khẩu vắc xin về cung cấp cho nhu cầu của người dân. Vắc xin 6 trong 1 khan hiếm là do nhà sản xuất. Các vắc xin khác như sởi, thủy đậu, quai bị, viêm não mô cầu, viêm gan A vẫn có đầy đủ để người dân trích ngừa.

Hiện nay, người dân sang Singapore hay Thái Lan để tiêm vì họ vẫn có vắc xin dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1. Lý do là họ có kế hoạch đặt hàng và với số lượng lớn từ nhiều năm trước đó. Bình thường, vắc xin muốn có phải đặt hàng 2 - 3 năm chứ không phải là thuốc cứ có nhu cầu là công ty sản xuất bán.

Còn ở Việt Nam các công ty nhập khẩu mua theo lô lẻ, số lượng không nhiều nên công ty sản xuất ưu tiên đơn hàng lớn, đặt hàng lâu năm. Việt Nam giờ muốn nhập cũng không được cung cấp vì họ không đủ nguồn vắc xin.

 

Theo Infonet
 

.