leftcenterrightdel
Tập thể dục giữa giờ cũng là phương pháp nâng cao thể lực 

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe như: Tăng tuổi thọ và thực hiện thành công nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Năm 2015, tuổi thọ trung bình của người dân đạt 73,3 tuổi. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm còn 14,7‰ và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn khoảng 14,1%.

Việt Nam cũng đã kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn không để dịch xâm nhập và không để dịch lớn xảy ra; được Tổ chức YTTG công nhận đạt tiêu chuẩn cơ quan quản lý quốc gia về vắc xin; đồng thời đã phát triển được nhiều kỹ thuật cao, công nghệ mới mới trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc cải thiện các chỉ số sức khỏe, kiểm soát bệnh tật và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ hai.

Tuy nhiên số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật, vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.

Mặc dù nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, từng bước cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ, trẻ em nhưng còn nhiều hạn chế trong phát triển tầm vóc, thể lực của người dân.

Điều chú ý là chiều cao của cả nam giới và nữ giới Việt Nam tăng rất ít trong nhiều năm qua và hiện nay đang thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3cm và hiện đạt 164cm ở nam và 153 cm ở nữ.

Để không bị tụt lại về chiều cao so với các nước, trong chương trình Sức khỏe Việt Nam đã xác định mục tiêu đến năm 2025 và 2030, cụ thể: đến năm 2025 tăng chiều cao trung bình với thanh niên (18 tuổi) nam là 167cm, nữ là 156cm; đến năm 2030 tăng lên đối với nam là 168,5cm, nữ là 157,5. Như vậy, khoảng thời gian khoảng 6 năm chúng ta phải tăng chiều cao cho thanh niên là 3cm. Điều này đang là thách thức đối với ngành y tế cũng như những ban ngành có liên quan.

Để thực hiện được điều đó, Bộ y tế đã đề ra chương trình đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để tập trung thực hiện 28 chỉ tiêu của 11 lĩnh vực sức khỏe ưu tiên gồm: dinh dưỡng hợp lý; vận động thể lực; chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh; phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phát hiện sớm và quản lý  bệnh không lây nhiễm; chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân; sức khỏe người cao tuổi; sức khỏe người lao động.

Đây là một chương trình tổng thể được triển khai trên quy mô toàn quốc nhằm huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội cùng xây dựng môi trường hỗ trợ, huy động sự tham gia của người dân và cộng đồng, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

 

Lê Sử