leftcenterrightdel
Các bác sĩ, cán bộ, học viên của Học viện Quân y xuất quân tăng cường vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. 

Trận chiến chống giặc COVID-19 tại TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ,… đã gấp rút lên đường với tâm thế “đâu có giặc là ta cứ đi”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Kỷ luật thép và trái tim hồng

Đợt dịch thứ tư với biến chủng Delta tiếp tục diễn biến phức tạp tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã dành sự quan tâm đặc biệt đến khu vực này, kịp thời chỉ đạo, điều động, bổ sung nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế, máy móc, thuốc men,… đồng hành cùng với các địa phương quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trong lúc này, 312 xã phường tại TP HCM phải là 312 pháo đài, mỗi người dân phải thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, TP HCM rất cần thêm “chất thép và cả trái tim hồng” để nhân thêm sức mạnh, thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, áp dụng một số biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Nhằm thực hiện “một trận đánh lớn” đối với dịch COVID-19, tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (tối 19/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu: TP HCM phải thực hiện cách ly triệt để giữa người với người, gia đình với gia đình, xã phường với xã phường. Nếu thiếu lực lượng bảo đảm thì công an, quân đội sẽ đáp ứng, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Thành phố triển khai nhiệm vụ này…

Nhấn mạnh mục tiêu, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, Quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời hết sức uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Công an tăng cường lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân.

Tại cuộc họp, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP HCM và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân... Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ, ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân Thành phố và các tỉnh, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu “muôn hình vạn trạng” trong thực tiễn.

Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định, Bộ sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía Nam để tham gia bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, có thể chi viện cả lực lượng y tế nếu cần thiết.

leftcenterrightdel
Những chuyến xe đầu tiên chở đoàn sinh viên, giảng viên Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai lên đường vào Nam ngày 21/8. Ảnh: Hoàng Anh 

Thực hiện chỉ lệnh của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, ngay trong sáng 21/8, Học viện Quân y đã tổ chức Lễ xuất quân tiễn gần 300 bác sĩ, cán bộ, học viên lên đường vào Nam chống dịch. Gửi gắm tình cảm đối với đoàn công tác, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện dặn dò: “Chưa bao giờ người dân miền Nam cần sự giúp đỡ của chúng ta như bây giờ. Có hai điểm quyết định nhất về sự thành công, đó là tính kỷ luật và tình thương yêu người dân, người bệnh, có được điều đó chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Cùng với Học viện Quân y, trong những ngày qua, các đoàn công tác của Quân đội, Công an tiếp tục lên đường “chia lửa” với TP HCM và các tỉnh phía Nam. Việc bổ sung lực lượng có ý thức tổ chức kỷ luật cao như Công an, Quân đội không chỉ là hoạt động cần thiết trong hoàn cảnh hiện tại, mà còn gửi đi một thông điệp rằng: “Với sự tham gia của lực lượng vũ trang, tính kỷ luật, nghiêm khắc trong chống dịch được nâng cao… và hiệu quả chống dịch sẽ cao hơn”.

Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 12h ngày 21/8 đã có 14.543 người thuộc Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ; các tỉnh, thành phố; khối các bệnh viện Trung ương; các trường y dược đã tham gia chi viện cho TP HCM và các tỉnh phía Nam.

Trong đó, đã có 195 người thuộc Bộ Y tế, bao gồm lãnh đạo Bộ và lãnh đạo, chuyên viên các Cục/Vụ/Viện tham gia chi viện cho TP HCM phòng, chống dịch COVID-19.

35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã huy động 1.983 người tới TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh đó đã có 12 trường y dược huy động 7.573 người tới TP HCM, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu; 27 bệnh viện Trung ương huy động 2.731 người tới TP HCM, Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp.

Hiện cũng đã có 10 bệnh viện huy động 1.246 người tới các Trung tâm Hồi sức tích cực tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long; 8 viện trực thuộc Bộ Y tế huy động 815 người tới TP HCM, Long An, Bình Dương, Tiền Giang, Khánh Hòa... 

Đặc biệt, theo Bộ Y tế, những ngày tới có thêm gần 3.000 nhân lực y tế được bổ sung đến TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai để hỗ trợ các địa phương thực hiện “thần tốc” xét nghiệm.

leftcenterrightdel
Cục Cảnh sát giao thông tăng cường lực lượng chống dịch cho TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN 

Phát huy sức mạnh toàn dân

Trong lời phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phải phát huy sức mạnh toàn dân tham gia chống dịch.

Với tinh thần "Mỗi người dân là một chiến sĩ", người dân đất Việt hôm nay đang bừng bừng khí thế "ra trận". Nhiều tầng lớp nhân dân đã xung phong được trở thành những “chiến sĩ tuyến đầu” trong trận chiến với dịch COVID-19.

Đó là tinh thần xung phong, là sự cống hiến thầm lặng tại tuyến đầu chống dịch của lực lượng y bác sĩ, trong số đó có cả những người đã nghỉ hưu; đó là hình ảnh hàng trăm ngàn thanh niên đã sát cánh bên nhau làm việc ròng rã ở tuyến đầu, tuyến sau, cùng đồng cam cộng khổ hỗ trợ cộng đồng vượt qua dịch bệnh; là những cựu chiến binh không quản tuổi cao, đã đang là thành viên tích cực của các tổ COVID-19 cộng đồng tại những điểm dịch; là đông đảo các chức sắc, chức việc, tín đồ thuộc các tôn giáo trong cả nước đã tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch, với phong trào “Tăng ni cởi áo cà sa, khoác áo blouse”, đăng ký sử dụng cơ sở thờ tự làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly cho bệnh nhân mắc COVID-19…

leftcenterrightdel
Vận chuyển lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Cao 

Và, dịch bệnh càng lan nhanh thì vòng tay kết nối, chia sẻ càng mở rộng, bù đắp phần nào những khó khăn của người lao động nghèo ở TP HCM, lan tỏa yêu thương đến với mọi người, mọi nhà. Tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, những mô hình nghĩa tình như: “Bếp cơm nghĩa tình”, “Bếp ăn Thương Sài Gòn” hay chương trình “Siêu thị mini 0 đồng”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Siêu thị sẻ chia”; mô hình đi chợ giúp người già neo đơn, làm cầu nối giữa điểm bán hàng thiết yếu, cửa hàng tiện lợi với công nhân, người lao động… đã được triển khai, nhân rộng. Cùng với đó là tấm lòng thảo thơm của nhiều chủ nhà trọ khi hy sinh lợi ích cá nhân để miễn, giảm tiền thuê nhà cho người thuê trọ, đã lan tỏa bao điều tốt đẹp. 

Đặc biệt, thời gian qua, người dân các tỉnh, thành trên cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Hà tĩnh, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai,...; nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân đã thu gom, đóng gói, gửi hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, nông sản, rau củ quả, nhu yếu phẩm đến người dân TP HCM và một số tỉnh phía Nam.

Nhiều địa phương đã có những cách làm thiết thực nhằm “chia lửa” với khu vực này, đồng thời hỗ trợ công dân của địa phương mình đang sinh sống, làm việc tại đây gặp khó khăn do dịch COVID-19. 

leftcenterrightdel
Thanh niên tình nguyện hỗ trợ công tác tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân tại TP Thủ Đức. Ảnh: Đoan Trang 

Cụ thể, các tỉnh: Phú Yên, Bình Định, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Giang, Bạc Liêu, Quảng Bình, Thanh Hoá… đã tổ chức đón hàng nghìn người dân đang sinh sống tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương về quê theo nhiều đợt. 

Đến nay, Phú Yên đã đưa gần 7.000 công dân, Bình Định đã đón tổng cộng hơn 1.300 người, tỉnh Hà Tĩnh đã đón gần 2.000 công dân về quê...
Trong khi đó, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa quyết định mở rộng đối tượng hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19 là công dân của tỉnh đang ở 22 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16. Mỗi công dân được hỗ trợ 2 triệu đồng/người từ Quỹ cứu trợ tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên quản lý. Thời gian thực hiện trong tháng 8 đến tháng 9/2021. 

Tỉnh Hà Tĩnh quyết định chi 2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách để hỗ trợ người dân địa phương đang sinh sống tại TP HCM và các tỉnh phía Nam gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trước đó, Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP HCM cũng đứng ra kêu gọi nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người dân 2 tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đang ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Số tiền kêu gọi ủng hộ được đến thời điểm hiện tại là khoảng 4 tỉ đồng…

Chúng ta tin tưởng rằng, trong giai đoạn quyết định của trận chiến khốc liệt này, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, sự tăng cường cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an với “kỷ luật thép và trái tim hồng” cùng đội ngũ y bác sĩ từ các cơ sở y tế trung ương, địa phương, sự thấu hiểu, quan tâm, sẻ chia, chung sức đồng lòng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân cả nước, người dân TP HCM và các tỉnh phía Nam sẽ được tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm để ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

Từ ngày 21-23/8, nhiều đoàn công tác đã lên đường vào TP HCM và các tỉnh phía Nam hỗ trợ chống dịch, trong đó có: 1.500 giảng viên, sinh viên Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai; các chiến sĩ Cục Cảnh sát giao thông, 250 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn Cảnh sát cơ động Trung Bộ cùng khoảng 1.000 quân nhân, gần 300 bác sĩ, cán bộ, học viên của Học viện Quân y;...  2.890 cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 7 cũng đã được điều động đến các phường, xã, thị trấn ở TP HCM, nhằm hỗ trợ địa phương triển khai gói an sinh, đi chợ giúp dân, kết hợp tuyên truyền để người dân chấp hành "ai ở đâu ở yên đó", không ra khỏi nhà. 

Tuệ Bình