(BVPL) - Trước tâm lý trái ngược của người tiêu dùng về thực phẩm chức năng (TPCN), một hội thảo vừa được tổ chức nhằm nhìn nhận vai trò của sản phẩm này trong hỗ trợ điều trị và sau điều trị.

 
 
Loạn dùng, ai là người hướng dẫn?
 
Tại hội thảo, Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã thay mặt nêu lên những bức xúc của người tiêu dùng: “TPCN là thành quả sáng tạo của nhân loại, nhưng không phải cứ TPCN là tốt và ai dùng cũng được, vì mỗi loại có những đối tượng khác nhau và phải sử dụng với liều lượng nhất định. Do vậy, người tiêu dùng rất cần sự tư vấn của bác sĩ quanh việc dùng TPCN nào, và dùng ra làm sao!”. 
 
Tuy nhiên, vẫn đang tồn tại một nghịch lý: Ngay tại Mỹ và các nước phát triển, nơi người dân đã được trang bị đầy đủ kiến thức về TPCN, cơ quan chức năng vẫn xem trọng việc kê đơn, tư vấn của giới y khoa và khuyến khích người dân sử dụng theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Còn tại Việt Nam, nơi người dân chủ yếu vẫn chỉ hiểu về TPCN qua quảng cáo, lời khuyên rỉ tai của người thân và những lời lẽ rủ rê của người bán hàng không có chuyên môn thì thầy thuốc lại không được phép kê đơn, chỉ định TPCN. 
 
Mặc dù công nhận TPCN có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, và người dân có quyền được thầy thuốc hướng dẫn, Luật Khám chữa bệnh từ năm 2008 đã cấm bác sĩ kê đơn TPCN. Vậy khi người dân cần được tư vấn, bác sĩ phải hướng dẫn TPCN cho bệnh nhân như thế nào? 
 
Các chuyên gia đã bàn luận, góp ý sôi nổi về vấn đề này và tiến tới đề xuất cơ quan chức năng đưa ra các quy định cụ thể hơn để hướng dẫn người thầy thuốc thực hiện nghĩa vụ của mình. Song song, Cục An toàn Thực phẩm cũng sẽ đưa vào các quy định nghiêm ngặt về ghi nhãn và quảng cáo TPCN, đẩy mạnh truyền thông để định hướng tốt hơn cho người tiêu dùng.
 
Theo Vietnamnet
.