Nuông chiều con cháu hoặc để cho “rãnh nợ” nhiều bậc phụ huynh đang dùng điện thoại thông minh và tivi như một công cụ dụ ngọt. Hậu quả nhãn tiền của việc lạm dụng trên đã khiến nhiều trẻ bị Hội chứng TIC co cơ mặt, giật mắt, méo miệng...

 


Khởi phát Hội chứng TIC có liên quan nhiều đến sự căng thẳng. Vì vậy, phụ huynh hoặc thầy cô giáo nếu không biết về hội chứng này sẽ nghĩ trẻ đang cố tình “gây hấn” dẫn đến những nhắc nhở, răn đe thậm chí là đánh đòn con trẻ. Cách xử lý trên chẳng những không mang lại tác dụng mà còn khiến trẻ thêm căng thẳng, biểu hiện của hội chứng càng gia tăng.

Hội chứng TIC ngày càng xuất hiện nhiều ở nhóm trẻ “nghiện” xem tivi, chơi smartphone. Theo BS Quang Vinh, smartphone thường có màn hình nhỏ, khi chơi game hay xem hoạt hình, mắt của trẻ phải điều tiết quá độ, nhãn cầu đong đưa liên tục, cơ mắt, cơ mặt, cổ, vai hoạt động không ngừng nghỉ dẫn tới cơ bị mỏi mệt. Các tần số của hình ảnh hiện thị trên màn ảnh cộng hưởng với hoạt động của não có thể là nguyên nhân khởi phát, hoặc tái phát hội chứng TIC ở trẻ.

Hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra những nguy hiểm của Hội chứng TIC đến sinh mạng của trẻ, nhưng nếu không chữa trị sớm thì tình trạng co cơ mặt, giật mắt, miệng liên tục sẽ trở thành tật xấu ở trẻ. Với những bệnh nhi mắc Hội chứng TIC nặng, các bác sĩ sẽ buộc phải sử dụng đến thuốc an thần, việc điều trị bằng thuốc nếu kéo dài có thể dẫn đến những ức chế thần kinh ảnh hưởng tới trí não.

Để tránh nguy cơ mắc Hội chứng TIC cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng không nên đưa trẻ vào những môi trường tạo sự căng thẳng như chơi game, xem phim trên điện thoại hoặc tivi quá nhiều. Những trẻ không may đã mắc hội chứng này, phụ huynh phải thực hiện ngay các biện pháp để “cai nghiện” tivi, điện thoại cho trẻ. Phụ huynh, thầy cô phải hạn chế đến mức tối đa tất cả những căng thẳng liên quan khác có thể tác động đến trẻ, cần tạo cho trẻ môi trường sống thân thiện, gần gũi với thiên nhiên.
 

Theo Vân Sơn/Dân trí

.