Gỡ rối pháp lý cho người chuyển giới: Giới y học nói gì ?
Cập nhật lúc 15:09, Thứ ba, 05/03/2013 (GMT+7)
Theo các chuyên gia, việc chuyển giới là nhu cầu có thực, bác sĩ trong nước có đủ tay nghề phẫu thuật chuyển giới. Nhưng vấn đề lớn là hiện nay luật pháp VN chưa cho phép chuyển đổi giới tính. (chuyển giới, phẫu thuật, bộ phận sinh dục, hormone)
(BVPL) - Theo các chuyên gia, việc chuyển giới là nhu cầu có thực, bác sĩ trong nước có đủ tay nghề phẫu thuật chuyển giới. Nhưng vấn đề lớn là hiện nay luật pháp VN chưa cho phép chuyển đổi giới tính.
Nam “dễ” thành nữ hơn
TS-BS Nguyễn Thành Như phân tích, chuyển giới tính là tình trạng một cá nhân có sự biệt hóa giới tính bình thường nhưng lại tin rằng họ là thành viên của giới tính kia. “Phần lớn chúng ta nghe nói tới chuyển giới nam thành nữ nhiều hơn so với chuyển giới từ nữ thành nam”, ông Như khẳng định.
Theo các thống kê chung trên thế giới, tỷ lệ người chuyển giới nam thành nữ/chuyển giới nữ thành nam là 3:1. Bởi vì phẫu thuật chuyển từ nam sang nữ dễ hơn rất nhiều so với phẫu thuật chuyển từ nữ sang nam. Chuyển từ nam sang nữ chỉ cần độn túi ngực, cắt bỏ dương vật và 2 tinh hoàn, lấy bao da dương vật lộn lại để tạo thành âm đạo. Phẫu thuật tạo hình âm đạo chỉ cần mổ 3 giờ là xong, và mổ 1 lần là xong.
Trong khi phẫu thuật từ nữ sang nam thì phải cắt bỏ 2 tuyến vú, cắt bỏ tử cung và 2 buồng trứng. Đặc biệt khó nhất là tạo hình dương vật. Phẫu thuật tạo hình dương vật kéo dài 10 tiếng, có thể mổ 2 lần, đồng thời bác sĩ phải rất giỏi về tạo hình và vi phẫu.
Trước khi Nghị định 88 ra đời (cấm phẫu thuật chuyển giới), TS-BS Nguyễn Thành Như cũng từng phẫu thuật chuyển giới cho một trường hợp từ nữ thành nam tại Bệnh viện Bình Dân - trường hợp này đã được báo cáo tại hội nghị tiết niệu toàn quốc vào năm 2010.
“Nhu cầu chuyển giới là rất nhiều”
Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học (Bệnh viện Bình Dân) cũng cho biết: “Nhu cầu chuyển giới là rất nhiều. Gần đây nhất, Khoa Nam học của Bệnh viện Bình Dân đã tiếp nhận 10 người đến có nhu cầu hỏi về chuyển giới nam thành nữ. Tuy nhiên, luật pháp của mình hiện chưa cho phép chuyển giới theo ý muốn, mà chỉ cho phép chỉnh sửa lại những khiếm khuyết do bộ nhiễm sắc thể gây ra, bất thường ở bộ phận sinh dục”.
Tương tự, TS-BS Nguyễn Thành Như nhìn nhận: “Nhu cầu chuyển giới ngày nay là rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất ở VN là việc chuyển giới tính không được pháp luật chấp nhận. Có trường hợp đã gửi thư cho tôi nói rằng, mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc, vậy tại sao họ (những người muốn chuyển giới) lại không có quyền này? Họ bảo rằng, họ không làm hại ai, họ là công dân tốt, sống đúng theo pháp luật, vì sao họ lại bị từ chối?”.
3 tiêu chuẩn cơ bản
Theo các chuyên gia, người muốn chuyển giới cần có một khoảng thời gian để cân nhắc thật kỹ. Bởi có thể, có người vì tác động của môi trường sống làm họ muốn chuyển giới chứ không phải nhu cầu thực sự của họ, vì thế qua vài tháng test tâm lý họ sẽ bỏ cuộc.
Trong số 10 người có nhu cầu chuyển từ nam sang nữ đến Khoa Nam học - Bệnh viện Bình Dân gần đây, các bác sĩ đã “test thử thách” với một số trường hợp, đề nghị họ tập thay đổi thói quen từ nam sang nữ, như tập cách đi tiểu của nữ… thì chỉ sau một tháng nhiều người đã bỏ cuộc. Trong số đó có trường hợp ở Cần Thơ, thậm chí không vượt qua nổi các công đoạn như mặc áo ngực, đi tiểu ngồi…
Theo bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, ở châu Âu, thường một trường hợp chuyển đổi giới tính cần hai năm để qua các bước: 3 tháng đầu chuyên gia sẽ tư vấn kỹ về tâm lý; 3 tháng sau giúp họ thay đổi một số hành vi, thói quen; tiếp theo là điều chỉnh hormone thay thế; phẫu thuật đặt túi ngực; rồi tiếp tục đánh giá, hỏi lại người đi chuyển giới có thực sự muốn chuyển thì mới làm “công đoạn” cuối cùng. Còn ở VN, nhiều trường hợp qua Thái Lan, để chiều khách hàng nên bác sĩ làm “cái rụp” mà không có thời gian làm các bước như nói trên.
TS-BS Nguyễn Thành Như cũng nói rằng có 3 tiêu chuẩn cơ bản trong chuyển giới, đó là: ước muốn được sống và được chấp nhận như là một thành viên của giới tính kia, với mong ước cơ thể họ giống càng nhiều càng tốt với cơ thể của giới tính kia, bằng phẫu thuật và hormone; mong ước chuyển giới tồn tại kéo dài và cuối cùng, sự rối loạn này không phải là triệu chứng của một bệnh lý tâm thần hay nhiễm sắc thể. “Cần có một khoảng thời gian vừa đủ để người muốn chuyển giới và gia đình họ thích ứng với việc chuyển từ giới tính này sang giới tính kia. Bên cạnh lý do tâm lý, cơ thể cũng cần một thời gian để thích ứng với môi trường nội tiết mới. Thời gian này khoảng 2 năm”, ông Như nói.
Theo Thanh Niên
.