Đến năm 2020, số người rối nhiễu tâm trí ở Việt Nam ước tính khoảng 10% dân số, trong đó có 2,5% bị tâm thần nặng.

 


Bộ Y tế đang xây dựng chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2015-2020 và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội chăn sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí.

Trong khi đó, ngày 13/6, trao đổi với báo chí, bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, số liệu 10% dân số Việt Nam bị rối loạn tâm thần (tức cứ 10 người thì có 1 người có dấu hiệu tâm thần) vẫn ít so với con số của Viện đưa ra.

Tuy nhiên, ở Việt Nam so với các nước trên thế giới vẫn còn thấp. Chẳng hạn ở Mỹ, Pháp, số người có dấu hiệu rối loạn tâm thần đều trên 50%. Các nước này nghiên cứu các dấu hiệu tâm thần trong một đời người, còn ở Việt Nam chỉ nghiên cứu tại một thời điểm nhất định.

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho rằng, đa số người Việt Nam đọc thông tin này đều nghĩ rằng, cứ 10 người Việt Nam thì có 1 người bị "điên" và phì cười vì điều này phi thực tế. Đại đa số người dân, khi nói đến tâm thần, người ta nghĩ ngay đến bệnh ở trạng thái tiêu cực, không mấy ai nghĩ đến những chiều hướng khác.

“Nói đến bệnh tâm thần người ta nghĩ ngay đến những người bị điên, những người thường la hét, nói lảm nhảm, cười vu vơ, giắt hoa lá lên đầu, tay nhặt lá chân đá ống bơ. Đây là quan niệm sai lầm”, ông La Đức Cương nói.

Hầu hết người Việt bị rối loạn thần kinh do áp lực xã hội trong lao động, cuộc sống, bạo lực gia đình, không thỏa mãn tình dục... Những người này bị áp lực quá lớn gây tổn thương tâm thần và không ổn định về thần kinh.

Trước đó, theo số liệu khảo sát thực tế của Hoffmann-La Roche năm 2002, tỷ lệ bình quân người bị stress ở Việt Nam là 52%. Riêng Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ lần lượt là 55% và 52%.

Một khảo sát khác thực hiện ở các trường cấp 3 nội thành TP.HCM cũng công bố số liệu đáng ngại: 21% học sinh trung học bị trầm cảm.

Kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2008 cho thấy, trong số hơn 10.000 thanh thiếu niên có hơn 73% người từng có cảm giác buồn chán, hơn 4% từng nghĩ đến chuyện tự tử.

 

Theo Báo Đất Việt

.