Đừng chết vì... sầu riêng
Cập nhật lúc 10:12, Thứ năm, 11/07/2013 (GMT+7)
Thông tin mới đây về một phụ nữ Thái Lan tên Chanthra Fuskul, 47 tuổi, ở tỉnh Chonburi tử vong sau khi ăn sầu riêng và uống rượu có độ cồn cao, đang khiến nhiều "tín đồ" của loại trái này lo lắng. (sầu riêng, khôi phục sức khỏe, chống chỉ định)
Thông tin mới đây về một phụ nữ Thái Lan tên Chanthra Fuskul, 47 tuổi, ở tỉnh Chonburi tử vong sau khi ăn sầu riêng và uống rượu có độ cồn cao, đang khiến nhiều “tín đồ” của loại trái này lo lắng.
“Trái tình yêu” nhiều công dụng
Theo DS Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên khoa Y học cổ truyền, đại học Y dược TP.HCM, sầu riêng là thực phẩm khôi phục sức khoẻ cho người ốm yếu, suy nhược. Trái sầu riêng có chứa nhiều đường và tinh bột (khoảng 34%), nhiều khoáng tố vi lượng như Ca, P, Fe, protid, lipid, caroten (vitamin A), sinh tố nhóm B, đặc biệt hàm lượng vitamin C và E rất cao (23 – 25%), lượng calorie là 144. Nhờ vitamin E cao nên sầu riêng còn được xem có tác dụng gây hưng phấn tình dục. Tài liệu y học cổ truyền của các nước Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc… ghi nhận dược tính của sầu riêng: cơm trái có tác dụng trị giun sán, có chứa các hợp chất indol có tác dụng kìm khuẩn. Vào những năm 1920, ở New York (Mỹ) xuất hiện một sản phẩm mang tên “Indian Durian”, chế biến từ cơm trái sầu riêng, chính nhờ lượng vitamin E cao trong sản phẩm này mà nó được xem như một loại thực phẩm chức năng cung cấp năng lượng, giúp sảng khoái, chống mệt mỏi và làm cơ thể cường tráng, hỗ trợ trị yếu sinh lý, tinh trùng và noãn kém phát triển, nữ dễ bị sẩy thai, hiếm muộn, vô sinh...
Sầu riêng cũng có “chống chỉ định”
“Tuy nhiên không phải ai cũng ăn được sầu riêng. Phụ nữ có thai hoặc người có huyết áp cao không nên ăn sầu riêng. Những người tì vị yếu cũng không nên ăn nhiều vì dễ gây đầy tức bụng, khó tiêu. Do sầu riêng có nhiều đường nên dùng nhiều sẽ sinh nhiệt, nóng trong người gây nổi mụn, tiểu vàng; người bệnh đường trong máu cao cũng không nên ăn nhiều…”, DS Phụng cho biết. Cũng theo DS Phụng, không nên ăn sầu riêng cùng lúc với các thức uống như càphê hoặc bia rượu, bởi kết quả nghiên cứu của nhà khoa học Rumphius công bố vào thế kỷ 18 cho thấy sẽ xuất hiện những rối loạn tiêu hoá và hơi thở xấu. Năm 1929, nhà khoa học J.D. Gimlette cũng cảnh báo không được dùng sầu riêng khi uống rượu brandy. Năm 1981, nhà khoa học J.R. Croft cũng trình bày trong một tài liệu thực vật học của ông ghi nhận sầu riêng làm cho con người ta có cảm giác “như sắp chết” nếu vừa ăn xong lại uống chất có cồn. Theo báo cáo của đại học Tsukuba (Nhật), trong sầu riêng có chứa một lượng lớn dầu có sulfur gây ức chế hoạt động của men aldehyd dehydrogenase, nguyên nhân dẫn đến 70% chất oxy hoá trong tế bào không được chuyển hoá và từ đó gây độc cho cơ thể. “Hiện nay cũng có nhiều nguồn tin cho biết sầu riêng được bơm thuốc kích thích cho mau chín nên cũng cần cảnh giác khi ăn loại trái này. Nên mua sầu riêng ở những nơi bán có uy tín, đáp ứng được quy định an toàn vệ sinh thực phẩm”, DS Phụng lưu ý.
Theo Vi Thoại
SGTT
.