Trong khi dịch đang có xu hướng gia tăng thì không ít người dân không hợp tác với cán bộ y tế, không khai báo khi bị sốt xuất huyết. Thậm chí họ quan niệm chỉ cần nhà sạch là… không bị sốt xuất huyết
 


Dịch diễn biến phức tạp

Báo cáo từ Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết, tích lũy 7 tháng đầu năm 2015 trên địa bàn Hà Nội đã có 693 ca mắc sốt xuất huyết, phân bổ rải rác ở 164 xã, phường của 29 quận, huyện.

Thông thường, mùa dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội bất đầu từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Vì thế, thời điểm này vẫn đang là cao điểm của dịch, TTYT Dự phòng Hà Nội nhân định số mắc có chiều hướng gia tăng vào các tháng hè thu. Nếu như tháng 1 toàn thành phố chỉ có 21 ca mắc sốt xuất huyết thì trong tháng 7 đã có 357 người mắc.  

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYT Dự phòng Hà Nội cho biết, mặc dù số mắc giảm so với cùng kỳ năm có dịch (năm 2009), chỉ chiếm 38%, tuy nhiên tăng so với cùng kỳ năm 2014. Bệnh tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông và huyện ven nội đang đô thị hóa nhanh như Thanh Trì.

TS Cảm cũng cho biết thêm, bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội năm nay cũng giống như nhiều năm, số mắc tăng vào mùa mưa, thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và làm lây lan dịch bệnh.

“Hiện nay bệnh dịch có tính chất tản phát, chưa xuất hiện ổ dịch tập trung, phức tạp, tuy nhiên do diễn biến thất thường của thời tiết, nắng nóng mưa nhiều, di biến động dân cư lớn, có nhiều công trường xây dựng, thiếu nước sạch tạo thói quen cho người dân tích trữ nước, vệ sinh môi trường kém, nhiều phế liệu phế thải đọng nước... là những yếu tố thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản phát triển làm dịch bệnh lây lan và diễn biễn phức tạp”- TS Cảm nói.

Người dân bất hợp tác

Mặc dù bệnh có xu hướng gia tăng, diễn biến dịch phức tạp nhưng TS Cảm lo ngại cho biết, việc phòng chống dịch bệnh SXHD tại các xã phường vẫn còn gặp một số khó khăn. Theo đó, một số hộ gia đình, người dân không hợp tác trong công tác phòng chống dịch như: Không mở cửa cho cán bộ y tế vào nhà kiểm tra vệ sinh môi trường diệt bọ gậy hoặc phun hoá chất diệt muỗi. Nhiều trường hợp không khai báo cho cán bộ y tế địa phương khi bị bệnh. Đặc biệt, họ không chủ động và thực hiện thường xuyên việc diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình.

“Bên cạnh đó, kiến thức về bệnh của người dân vẫn còn hạn chế. Hầu hết những hộ bất hợp tác thường nghĩ nhà sạch là sẽ không có muỗi; thậm chí họ nghĩ việc phòng bệnh chủ yếu là phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành và coi nhẹ việc vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình” – ông Cảm nói thêm.

Trước tình hình này, để tích cực, chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Cụ thể: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ,… để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.

Hàng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Đặc biệt, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà tránh tử vong.
 

Theo infonet

.