Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, có 2 phương án đang được Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh mức đóng BHYT vào năm 2019.
 
Theo đó, phương án 1: Năm 2019 sẽ tăng 0,3% mức lương cơ sở, từ 4,5% lương cơ sở như hiện nay lên 4,8%. Đến năm 2020 tăng tiếp lên 5,1% và năm 2022 là 5,4%, năm 2023 là 5,7% và năm 2024 là 6% (mức cao nhất được quy định trong Luật BHYT).
 
Tuyên truyền về BHYT cho người dân ở Bắc Ninh. Ảnh: Tuấn Kiệt
Tuyên truyền về BHYT cho người dân ở Bắc Ninh. Ảnh: Tuấn Kiệt
 
Phương án 2 là tăng 0,5% vào năm 2019, từ 4,5% lên 5% mức lương cơ sở. Năm 2020 tăng lên 5,5% và năm 2021 là 6%.   
 
Theo ông Phúc, Quỹ BHYT hiện còn một phần chi dự phòng để bù đắp cho phần bội chi của năm 2017 và 2018. Nhưng tới năm 2019, các cơ quan chức năng phải tính toán để điều chỉnh mức đóng BHYT nhằm cân đối quỹ BHYT.
 
Ông Phúc cũng cho biết, hiện ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hơn 48 triệu người là nhóm đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo, nhóm đối tượng được bảo trợ, người có công với cách mạng, học sinh – sinh viên… Cụ thể, ngân sách nhà nước đang hỗ trợ 100% kinh phí cho khoảng 34,9 triệu người; hỗ trợ mức 70% là 2,5 triệu người; hỗ trợ mức 30% là 11 triệu người.
 
Do đó, nếu tăng mệnh giá thẻ BHYT thì cũng phải cân nhắc đến tài chính của ngân sách. “Việc tăng là đương nhiên, nhưng mức tăng thêm 0,3 hay 0,5% phải tính toán phù hợp trên cơ sở ngân sách nhà nước, chi phí doanh nghiệp...” – ông Phúc nói.
 
 Theo ông Phúc, việc tăng mức đóng còn ảnh hưởng tới chi phí của doanh nghiệp. Hiện có ý kiến cho rằng, Việt Nam có mức đóng BHYT thuộc nhóm cao trong khu vực. Trong khi đó, doanh nghiệp đang phải chi nhiều khoản phục vụ hoạt động.
 
“Mới đây, Chính phủ đã tính toán giảm 0,5% mức đóng của doanh nghiệp vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn và bệnh nghề nghiệp. Do đó, việc tăng mức đóng BHYT cần tính toán tới lộ trình hợp lý” - ông Phúc nói.
 
Cũng theo ông Phúc, trước mắt để tránh bội chi Quỹ BHYT, các cấp, đơn vị liên quan phải có những giải pháp để tiết kiệm chi tiêu, tránh lạm dụng quỹ BHYT.
 
Ngoài ra, từ 1.7 tới, khi mức lương cơ sở tăng từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng thì mệnh giá thẻ BHYT cũng tăng từ 653.000 đồng lên 702.000 đồng/thẻ/năm.
 
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 5.2017, cả nước có hơn 76,27 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 82,01% dân số.
 
Theo Tuấn Kiệt/ danviet.vn
.