Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục đề xuất tăng giá viện phí 1.348 dịch vụ, kỹ thuật còn lại chưa được điều chỉnh giá trong lần điều chỉnh hồi tháng 8/2013 với mức tăng chung là 20% cho tất cả các hạng bệnh viện.

 


Tăng viện phí có ảnh hưởng đến Quỹ BHYT?
 
Ngày 17/7/2013 HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND ban hành quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội. Đánh giá ban đầu của UBND TP Hà Nội qua 1 năm thực hiện điều chỉnh giá viện phí cho thấy đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cho người dân. Phía các bệnh viện đã có điều kiện cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung vật tư, trang thiết bị phục vụ người bệnh (giảm bớt căng thẳng về thiếu hụt nguồn thu cho các bệnh viện) đồng thời đã làm thay đổi bộ mặt của các cơ sở khám chữa bệnh như ngoại cảnh, trang thiết bị…
 
Điều đáng lưu ý là qua 10 tháng thực hiện Nghị quyết 13 của HĐND TP đã tạo động lực thúc đẩy người dân tham gia BHYT với tinh thần “mình vì mọi người”, số thẻ BHYT tăng thêm của 5 tháng đầu năm 2014 là 24.328 thẻ; số lượt khám, chữa bệnh bằng BHYT cũng tăng…
 
Câu hỏi đặt ra là sau 10 tháng tiến hành điều chỉnh viện phí, vì sao Hà Nội lại tiếp tục tăng viện phí vào đợt này?
 
Trả lời câu hỏi này, TS Lưu Thị Liên - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc điều chỉnh viện phí lần này chỉ nhằm vào 1.348 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đang được áp dụng tại Thông tư liên tịch số 03/2006 của BYT-BTC-LĐTBXH (Thông tư 03) quy định thu một phần viện phí. Qua 8 năm thực hiện Thông tư 03, giá cả thị trường đã có nhiều biến động tác động đến chi phí đầu vào của giá dịch vụ (bao gồm thuốc,vật tư tiêu hao, điện, nước…đều tăng). Mặt khác, hiện nay trên cùng địa bàn của Hà Nội, các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện thuộc các Bộ, Ngành đều đã áp dụng mức giá trần được quy định tại Thông tư 03/2006 trong khi đó Hà Nội mới áp dụng mức giá từ 65-80% của Thông tư 03/2006 (tùy theo phân hạng của bệnh viện). Như vậy, trên cùng địa bàn hiện đang tồn tại một kỹ thuật có 2 mức giá khác nhau, ảnh hưởng đến quyền lợi của người có thẻ BHYT. Dẫn đến tình trạng, người có thẻ BHYT không lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Hà Nội do không được BHYT thanh toán như ở các bệnh viện tuyến trên, càng làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trung ương.
 
Bên cạnh đó, hiện đang có 135 dịch vụ kỹ thuật được quy định tại Thông tư 43/2014/TT-BYT có hiệu lực từ 1/2/2014 đã được các bệnh viện của Hà Nội thực hiện nhưng chưa có giá trong Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND, vì vậy BHXH Hà Nội chưa có cơ sở để thanh quyết toán. Thêm nữa, một số bệnh viện hạng II của thành phố như BV Mắt Hà Nội, BV Ung bướu…nhưng không được áp dụng mức giá dịch vụ của bệnh viện hạng I, trong khi chi phí đầu vào như nhau dẫn tới thu không đủ bù chi.
 
Trong đợt điều chỉnh viện phí có hiệu lực từ 1/8/2013, thực hiện theo Thông tư liên tịch 04/2012/TTLT-BYT-BTC, Hà Nội mới chỉ điều chỉnh giá viện phí ở 447 dịch vụ kỹ thuật, các dịch vụ khác vẫn thực hiện theo Thông tư 03/2006 là thu một phần viện phí.

“Chúng tôi không tăng viện phí đồng loạt tại thời điểm tháng 8/2013 là vì nhằm đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Hiện nay, trước khi điều chỉnh giá viện phí, ngành Y tế, Tài chính và BHXH đã làm việc nhiều lần và thống nhất là việc điều chỉnh giá lần này sẽ không ảnh hưởng đến Quỹ BHYT. Mức tăng lần này cũng chỉ  ở mức từ 80-100% quy định ở Thông tư 03/2006, tuỳ theo từng hạng bệnh viện”, bà Liên nói.
 
Tăng viện phí ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI)?
 
Một trong những điều các nhà quản lý kinh tế lo ngại việc tăng viện phí ảnh hưởng đến lạm phát ra sao? Giải quyết vấn đề này, liên ngành Y tế - Tài chính- BHXH Hà Nội đã có văn bản gửi Cục Thống kê để đánh giá tác động. Tại văn bản trả lời số 251/CTK-TM do ông Đỗ Ngọc Khải Phó Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội ký khẳng định, “với các danh mục y tế dự kiến điều chỉnh tăng giá lần này không nằm trong rổ hàng hoá của Cục Thống kê”.
 
Trong khi đó, đánh giá của UBND TP Hà Nội cho thấy giá dịch vụ khám chữa bệnh điều chỉnh tăng ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức độ thấp, không phải là yếu tố quyết định làm tăng CPI, cụ thể: Quý IV/2013 ngay sau khi quyết định phê duyệt giá khám chữa bệnh có hiệu lực, thuốc và dịch vụ y tế chỉ tăng 0,08% (trong khi CPI tăng 0,4%); Quý I/2014, giá thuốc và dịch vụ y tế chỉ biến động nhẹ với mức tăng 0,07% (trong khi CPI quý I/2014 tăng 4,8%). Về phía người dân có thẻ BHYT không phải chi trả dịch vụ khám, chữa bệnh hoặc chỉ chi trả một phần, nên không tăng gánh nặng về kinh tế của người dân.

 

Theo VnMedia

 

.