Thành lập tổ công tác để rà soát, điều chỉnh quy định “bán thịt trong 8 giờ”; khuyến cáo về sử dụng giá an toàn và kết quả kiểm tra các loại nho, khoai tây Trung Quốc... là những nội dung chính tại cuộc họp về quản lý chất lượng và ATTP do Bộ NN&PTNT chủ trì.

 


Ngày 14/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông - lâm - thủy sản. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định sẽ siết chặt và tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng nông sản để mâm cơm của người dân được “sạch” hơn.

Nho, khoai tây Trung Quốc có dư lượng hóa chất vượt mức cho phép

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết từ đầu tháng 7 đến ngày 10/8, cơ quan này đã lấy 104 mẫu nông sản nhập khẩu để phân tích. Kết quả có 101 mẫu phù hợp với quy định an toàn thực phẩm, 3 mẫu vi phạm (có dư lượng hóa chất vượt quy định) là 2 mẫu nho nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và 1 mẫu khoai tây Trung Quốc nhập khẩu qua cảng Sài Gòn vượt quy định từ 3-5 lần. Hiện nay, táo tây, lê, cam, quýt, dưa vàng và nho của Trung Quốc xuất sang Việt Nam khá nhiều.

Ngoài ra, Cục BVTV cũng đã lấy 30 mẫu chè và một số mẫu rau lưu thông trên thị trường để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và sẽ có kết quả trong tuần tới.

Chất lượng nông sản Trung Quốc nhập vào Việt Nam sẽ được kiểm tra chặt hơn.

Còn theo Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản, thực hiện chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi, các địa phương đã lấy hơn 543 mẫu thủy sản nuôi, để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh. Kết quả, có 6/543 mẫu (3 mẫu tôm sú, 2 mẫu cá rô phi và 1 mẫu cá tra) ở khu vực phía Nam nhiễm hóa chất cấm Enrofloxacin. Đối với những trường hợp vi phạm này, cơ quan chức năng đã có văn bản thông báo đến cơ quan giám sát tại địa phương yêu cầu báo cáo nguyên nhân và triển khai các biện pháp khắc phục.

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: “Các ngành cần tập trung vào những sản phẩm, doanh nghiệp và nguồn gốc thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam bị phát hiện chất lượng kém nhiều lần để xử lý triệt để. Thậm chí, cần đưa ra giới hạn vi phạm 3-5 lần là cấm hẳn như nhiều nước đã làm”.

Cán bộ thú y đứng bên lò mổ mà thịt bẩn vẫn ra ngoài

Cục phó Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết Cục Thú y đã thành lập tổ công tác để ra soát, điều chỉnh một số nội dung của Thông tư 33 - quy định điều kiện vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm (có hiệu lực từ ngày 3/9).

Sau khi Thông tư 33 được Bộ NN-PTNT ban hành, có nhiều ý kiến không đồng tình bởi có một số quy định không khả thi như “Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ bình thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ”.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết vừa qua, trong một số thông tư của bộ có sơ suất trong nội dung, cụ thể như Thông tư 33, cơ quan liên quan cần rà soát để điều chỉnh sớm trong tuần tới. “Mọi quy định pháp luật đều hướng đến việc quản lý tốt hơn nhưng phải có bước đi phù hợp, có thời gian để thích nghi”, ông Phát nói.

Về lo ngại liệu có đủ cán bộ thú y để giám sát các quy định trong Thông tư 33, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định: “Không phải chúng ta thiếu cán bộ thú y mà phải nhìn thẳng là có bộ phận không nhỏ cán bộ không làm tròn trách nhiệm. Cán bộ thú y đứng ở lò mổ mà thịt kém chất lượng vẫn ra ngoài”. Ông Phát cho biết trong tháng 8 này, Thanh tra Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Cục Thú y kiểm tra việc thi hành công vụ của cán bộ thú y, cơ sở thú y tại các chợ đầu mối, lò mổ để “siết” lại tinh thần trách nhiệm.

Cẩn thận khi mua giá ăn

Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng cho biết đơn vị chức năng của cục vừa kiểm tra đột xuất 7/33 cơ sở sản xuất giá ăn (làm từ đậu) tại TPHCM. Tại các điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ mẫu hóa chất do Công ty TNHH Phú Dung (Trung Quốc) sản xuất. Các đoàn kiểm tra đã lấy mẫu giá ăn để kiểm tra việc sử dụng hóa chất cũng như mức độ an toàn. Kết quả xác định cytokinin có trong 4 mẫu giá ăn. “Hoạt chất cytokinin không bị cấm nhưng sản phẩm có cytokinin do Công ty Phú Dung sản xuất thì bị cấm vì chưa đăng ký”, ông Hồng khẳng định.

Cùng với hoạt chất cytokinin, tại các cơ sở sản xuất giá, đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều bao bột soda nhưng kết quả xét nghiệm trong giá ăn lại không có chất này. “Hoạt chất soda có nguồn gốc thực vật không nguy hiểm nhưng nếu sử dụng soda công nghiệp thì không an toàn”, ông Hồng phân tích.

Ông Hồng khuyến cáo giá ăn sử dụng chất kích thích tăng trưởng thường có thân mập, rất thẳng, trắng, còn giá ăn không sử dụng hóa chất hình thức không đẹp nhưng an toàn.

 

Theo Người lao động

.