|
|
Cấp cứu kịp thời cháu bé bị thú cưng cắn xuyên sọ. (Ảnh:BV)
|
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Phi Doanh-Khoa ngoại thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM trường hợp đau lòng vừa được cứu sống tại Bệnh viện Nhi đồng 2 là bé gái V.N.B.Q. (6 tháng tuổi, nhà ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).
Theo đó, tiếp nhận bé tại phòng khám cấp cứu, Bs Nguyễn Ngọc Phi Doanh, người trực tiếp phẫu thuật cho bé trong ca trực ngày hôm đó cũng không nghĩ vết thương có thể nặng đến vậy. Từng tiếp nhận và xử trí nhiều ca vết thương vùng đầu do chó cắn, hầu hết các ca đều làm da đầu, mặt rách toác, diện rộng, nham nhở, chứ xuyên vào trong não là lần đầu tiên.
Cũng may, dấu răng của con vật chỉ mới xuyên qua khỏi xương sọ và vừa chạm vào bề mặt của não em bé. Ekip mổ đã kiểm tra thương tổn, làm sạch hết các mô dơ và phục hồi lại các vị trí thương tổn.
Sau ca mổ, em bé phục hồi tốt và đã xuất viện sau hơn 1 tuần được chăm sóc vết thương và chích kháng sinh để dự phòng nhiễm trùng bên cạnh việc phải tiếp tục tiêm các mũi ngừa phòng bệnh dại.
Chia sẻ về nguyên nhân vì sao bé bị thú cưng cắn, mẹ bé nói: “Nó (thú cưng-PV) cưng lắm, nhưng từ ngày sinh con bé ra, hình như nó ghen tị với con bé, do không còn được gia đình quan tâm nhiều như trước kia. Bữa con bé đang tập bò, kéo đuôi nó, rồi nó quay lại cắn luôn. Thấy vết thương, em lo ôm con chạy thẳng vào cấp cứu Nhi đồng 2, không ngờ vết cắn vô tới não”.
Các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hiện nay, thú cưng, đặc biệt là chó ngày càng được nhiều gia đình ở thành phố chọn nuôi để làm người bạn trong gia đình. Mặc dù vậy, đi kèm với đó cũng là những nguy cơ tiềm ẩn. Đây không phải là lần đầu tiên Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận những ca bệnh nặng do chó cắn. Chúng tôi khuyến cáo các gia đình nên cân nhắc chọn thú cưng, đặc biệt khi gia đình có trẻ nhỏ, và cần xây dựng môi trường đảm bảo an toàn cả cho trẻ lẫn thú cưng.