Những hình ảnh đau xót nhất trong năm 2015 này có lẽ chính là những clip, những thông tin về việc người ta đã dùng hoá chất độc hại để bảo quản hoa quả, nông sản và các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi dùng chất tạo nạc không được phép vẫn ngang nhiên tồn tại.
 

Người tiêu dùng băn khoăn khi chọn lựa thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày.
Người tiêu dùng băn khoăn khi chọn lựa thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày.


1. Hành lang khoa Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai ngày cuối năm, lạnh tê tái. Tất cả các phòng bệnh vẫn đầy ăm ắp bệnh nhân. Có những bệnh nhân còn phải nằm giường kê dọc hàng lang. Ở phòng chụp PET/CT những bệnh nhân ngồi chờ thì thầm với nhau đủ thứ chuyện. Một bệnh nhân ung thư xương đã tháo khớp chân ở Singapore giờ về Việt Nam xạ trị kể chuyện đi nằm viện ở nước ngoài, một vài cụ ông cụ bà mệt mỏi than đã chờ mãi mới đến lượt chụp.

Con gái một bà cụ bị ung thư dạ dày từ Hải Phòng lên kể lể: Khổ lắm cô ạ, mẹ đi nằm viện nhà có 2 chị em gái thay nhau lên trông, hôm đầu tuần 2 chị em đều bận đành cho thằng cháu ngoại lên trông bà, nó đi xe máy lại bị tai nạn dọc đường, cơ khổ!...

Đây là bối cảnh không lạ lẫm, không bất ngờ gì ở các bệnh viện trung ương và Hà Nội hiện nay, nhất là các khoa Ung bướu và ở cả 3 cơ sở của Bệnh viện K. Trong những phòng bệnh luôn luôn nồng mùi hoá chất, là những bệnh nhân đầu trọc lốc vì rụng tóc, nước da tái bệch và kèm theo là những cơn đau đớn quặn người. Ở khoa Ung bướu Bệnh viện Thanh Nhàn vào những ngày cao điểm nhất, dù cách đấy không xa đã có Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, giường được kê suốt dọc hành lang, dọc đường đi và ở bất cứ chỗ nào có thể. Còn ở Bệnh viện K dù đã có thêm 2 cơ sở ở Tam Hiệp, thực sự vẫn luôn luôn quá tải…

Hãy hình dung về số lượng người mắc bệnh từ chính công việc của những người thầy thuốc. TS Trần Trọng Kiểm- Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, trung bình mỗi ngày ông trực tiếp cầm dao mổ 3 đến 4 ca và một ngày làm việc bao giờ cũng bắt đầu từ 6h sáng. Thường xuyên vào lúc 6h tối ông đi thăm một lượt bệnh nhân trước khi ra về. Ở đây, bác sĩ Kiểm bảo rằng trung bình mỗi năm ông có hàng ngàn ca phẫu thuật u tuyến giáp, trong số ấy tỉ lệ K không hề ít chút nào.

Tất cả những ai đã từng vào thăm những bệnh nhân nhi ở Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp đều ám ảnh ghê gớm. Tương lai nào đang chờ các em, ở lứa tuổi đáng lẽ phải phơi phới. Thương lắm, đầu trọc lốc vì chạy hoá chất thì mắt càng mở to hay sao ấy, ám ảnh ghê gớm người nhìn. Ám ảnh về một căn bệnh đang rình rập như một hiểm họa, bất kỳ ai, bất kỳ gia đình nào!

Điều gì khiến tỉ lệ mắc bệnh ung thư của người Việt Nam đang khủng khiếp như vậy? Bạt ngàn lý do, trong đó có một mối đe doạ trực diện, từ bữa ăn mỗi ngày.

2. Thời gian qua, thông tin ca sĩ Trần Lập mắc bệnh ung thư được chính anh thông báo trên trang cá nhân được giới showbiz và cộng đồng mạng chia sẻ với số lượng lớn. Dù với những lời lẽ mạnh mẽ và tràn đầy lạc quan, Trần Lập cũng không giấu giếm được rằng anh khi nhắn tin cho những người bạn thân thiết để thông báo tay đã rất run. Trong khi còn chưa ai thống kê được, không bác sĩ nào dám khẳng định bệnh nhân có thể chữa khỏi hay không từ phác đồ điều trị của y học hiện đại thì ung thư vẫn là nỗi thảng thốt run rẩy như Trần Lập đã trải qua, đối với mỗi người.

Đối với mỗi một gia đình, thông báo về việc người thân mắc bệnh ung thư giống như một tai hoạ đột ngột rơi xuống. Đó bắt đầu là một sự đảo lộn thật sự, một tâm lý bất an khó hình dung nổi trước đó. Bắt đầu là hàng loạt câu hỏi đặt ra: Bệnh ở mức độ nào rồi? Sẽ điều trị theo hướng nào? Tiếp đó là hàng loạt những lời mách bảo sẽ liên tiếp được mọi người thân quen dội vào. Ngay cả bác sĩ, cũng sẽ mỗi người một ý. Hoang mang từ bệnh tật đã đành, hoang mang ngay cả từ phương pháp điều trị mà nếu không hiểu biết, không bản lĩnh sẽ nháo nhào từ nơi này tới nơi khác, trở thành thí nghiệm cho các “trường phái” điều trị Đông - Tây y trên đời.

Tôi đã ngồi nhiều buổi tại phòng Giáo sư Mai Trọng Khoa- một trong những chuyên gia đầu ngành về điều trị ung bướu- chứng kiến cách ông kiên trì giải thích cho người bệnh. Điều kỳ lạ là một người cực bận rộn như ông (Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Y học hạt nhân - ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, Trưởng Bộ môn Y học hạt nhân của trường ĐH Y Hà Nội), nhưng bao giờ cũng dành thời gian để chấn an bệnh nhân và gia đình bệnh nhân trước.

Ông trước tiên là định hướng suy nghĩ của bệnh nhân đã. Với bệnh này có các tình huống này xảy ra, có những cách điều trị như này và trước tiên phải xác định hướng điều trị. Ông tâm sự rằng phần lớn bệnh nhân của mình bị hoang mang và sa đà vào nhiều cách điều trị khác nhau, ai mách ở đâu chữa khỏi cũng đi, mách thuốc gì cũng uống và các phương pháp đều không tới nơi tới chốn.
 

Cảnh người nhà chờ chăm sóc bệnh nhân ung thư khiến người ta thương cảm.
Cảnh người nhà chờ chăm sóc bệnh nhân ung thư khiến người ta thương cảm.


Trong sự hoang mang này, dường như không phân biệt người giàu hay người nghèo, bệnh nhân giàu và bệnh nhân nghèo đều hoang mang như nhau. Với người nghèo thì theo đuổi liệu trình điều trị ở bệnh viện dài lâu tốn kém sẽ dễ nản mà nghe theo những lời mách bảo khác. Còn với người giàu thì càng dễ theo đuổi việc săn lùng những loại thuốc đắt tiền, quý hiếm hoặc nghĩ rằng ra nước ngoài chữa trị sẽ tốt hơn.

Một trong những việc đầu tiên mà phần lớn các bác sĩ đều làm là đề nghị gia đình bệnh nhân phải chuyển được bảo hiểm y tế. Giáo sư Mai Trọng Khoa kể: Có nhiều người nghĩ mình “đại gia” khi có người nhà mắc bệnh bao giờ gặp ông cũng huênh hoang là bác sĩ cứ điều trị không cần bảo hiểm, tốn bao nhiêu em cũng chi được. Nhưng rồi, đây là những căn bệnh điều trị phức tạp, lâu dài, tốn kém và ngay cả “đại gia” rồi cũng nản. Cho nên, điều ông luôn luôn dạy học trò là phải khuyên bệnh nhân nên bám theo hệ thống bảo hiểm y tế, thứ hai là không còn cách nào khác mới dùng kỹ thuật đắt tiền và thuốc điều trị đắt tiền, cái gì bắt buộc phải dùng mới dùng.

3. Những buổi chiều cuối năm thường rất lạnh, ngồi cùng ngổn ngang những người nhà bệnh nhân ở hành lang bệnh viện, tôi tê tái nghĩ về bữa ăn của người Việt, về những bàn nhậu tràn lan ở các quán bia, quán rượu. Có ai đưa ra những số liệu thật thuyết phục về tỉ lệ mắc bệnh nan y vì hiểm hoạ từ thực phẩm không? Người Việt sau những thập kỷ thoát khỏi nạn đói ăn của những tháng năm bao cấp, giờ thừa thãi đồ ăn thì đang quay cuồng trong công cuộc tìm kiếm thực phẩm sạch.

Những hình ảnh đau xót nhất trong năm 2015 này có lẽ chính là những clip, những thông tin về việc người ta đã dùng hoá chất độc hại để bảo quản hoa quả, nông sản và các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi dùng chất tạo nạc không được phép vẫn ngang nhiên tồn tại.

Sức khoẻ của cả cộng đồng đang bị đe doạ nghiêm trọng, bằng vào việc tìm kiếm lợi nhuận của một số người cũng đang sống cùng cộng đồng, nhưng trên hết là bởi sự thiếu quyết liệt và nghiêm minh đủ độ, thậm chí là làm ngơ của quản lý và luật pháp.

Hiểm hoạ vẫn trực chờ, bên mâm cơm mỗi ngày!
 

Theo Đại đoàn kết

.