Có chứng kiến khẩu phần ăn của công nhân tại các khu chế xuất, xí nghiệp mới thấy, bữa ăn của họ "bèo nhèo" đến chừng nào. Không chỉ thiếu dinh dưỡng, những suất ăn ấy còn rình rập nguy cơ ngộ độc thực phẩm, gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của họ.
Cũng trong thời điểm đầu tháng 3, 46 công nhân ngành da giày ở tỉnh Hậu Giang cũng đã phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Nguyên do là tại bữa ăn, cơm nấu sống và nhão, các công nhân được nhà bếp thay bằng bánh mì và uống sữa bịch. Khoảng 15 phút sau khi ăn trưa, hàng chục công nhân có biểu hiện nôn ói, mệt mỏi và tụt huyết áp, chiều cùng ngày, họ đều nhập viện trong tình trạng ngất xỉu.
Cuối năm 2013, y tế huyện Chợ Gạo, Tiền Giang được một phen náo loạn vì cùng lúc có đến... 600 công nhân bị ngộ độc thực phẩm nhập viện. Vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Wondo Vina ở xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo .
Sau bữa ăn trưa 3/10, nhiều công nhân bắt đầu đau bụng, nôn ói được đưa vào Bệnh viện đa khoa Chợ Gạo điều trị. Đến sáng 4/10, có trên 600 công nhân bị tiêu chảy, sốt, chóng mặt… không ngừng kêu la vì đau đau đầu, đau bụng.
Một vụ ngộ độc nghiêm trọng khác cũng xảy ra năm 2013, tại công ty sản xuất giày da xuất khẩu Liên Phát (KCN Sóng Thần, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Sau bữa cơm chiều, hàng trăm công nhân và bắt đầu nôn ói, đau bụng, tiêu chảy. Sáng hôm sau, khi đến Công ty làm việc, hàng loạt công nhân đều trong tình trạng đau bụng dữ dội, được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện quận Thủ Đức, TP HCM trong tình trạng nôn ói, chóng mặt, ngất xỉu.
Công nhân bị ngộc độc – trách nhiệm thuộc về ai?
Chuyên viên Kiều Anh Vũ, Văn phòng luật sư Lê Nguyễn đã đưa ra những phân tích về trách nhiệm của các bên liên quan khi xảy ra sự cố ngộ độc như sau: “Để xảy ra trường hợp công nhân bị ngộ độc thực phẩm, cần xác định trách nhiệm từ nhiều phía.
Đối với các doanh nghiệp, họ là người sử dụng lao động, cần căn cứ vào hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể,… để xác định thỏa thuận về phụ cấp tiền ăn; tổ chức bữa ăn cho công nhân như thế nào, có đảm bảo thực hiện đúng thỏa thuận với người lao động hay không.
Nếu các doanh nghiệp tự tổ chức bữa ăn cho công nhân thì phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, nếu vi phạm thì phải chịu trách nhiệm. Đối với các đơn vị, cơ sở cung cấp suất ăn cho công nhân theo hợp đồng với các doanh nghiệp, cũng phải đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng giữa họ với các doanh nghiệp; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các suất ăn cung cấp cho công nhân.
Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Luật An toàn thực phẩm quy định: “Bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, “tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh”.
Bên cạnh đó, công nhân bị ngộ độc được quyền đòi hỏi bồi thường chính đáng theo nhiều điều mà pháp luật quy định: Công nhân bị ngộ độc do sử dụng thực phẩm không an toàn được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Sau khi luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2011, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 30/2012/TT-BYT quy định cụ thể về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố (trong đó có quy định đối với cơ sở chế biến suất ăn sẵn; căng tin kinh doanh ăn uống; bếp ăn tập thể).
Thay thế Nghị định 91/2012/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định nhiều hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả,…
Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức hoặc bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với cá nhân hoặc 07 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với tổ chức.
Theo PLO