Dịch đau mắt đỏ đang diễn biến bất thường. Theo y học cổ truyền, đau mắt đỏ gọi là hồng nhãn, hỏa nhãn. Bạn có thể tham khảo cách chữa đau mắt đỏ nhanh bằng các bài thuốc dưới đây.
Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc cấp (nguyên nhân do virut là chủ yếu), có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, thường hay gặp vào mùa hè. Bệnh lây lan trong cộng đồng, tạo nên dịch viêm kết mạc cấp. Theo y học cổ truyền, đau mắt đỏ gọi là hồng nhãn, hỏa nhãn. Nguyên nhân do cảm nhiễm độc khí lưu hành trên diện rộng hiệp với thấp nhiệt gây nên. Dưới đây là bài thuốc theo từng thể bệnh.
Thể nhẹ: Bệnh nhân tự nhiên thấy ngứa cộm, nước mắt chảy ra nhiều, phần lòng trắng chuyển sang màu hung sau đỏ tươi, kèm đau đầu, đau mắt, chói sợ ánh sáng, nhiều nước mắt, có dử đặc...
Thuốc uống:
Bài 1: kim ngân hoa 16g, chi tử 12g, hoàng đằng 8g, chút chít 12g, kinh giới 12g, bạc hà (cho sau) 6g, lá dâu 16g, cúc hoa 12g. Sắc uống.
Bài 2: kim ngân 16g, liên kiều 12g, chi tử 8g, hoàng cầm 12g, bạc hà (cho sau) 6g, ngưu bàng tử 12g, cát cánh 6g. Sắc uống.
Bài 3: tang diệp 6g, cúc hoa 6g, đạm trúc diệp 30g, bạch mao căn 30g, bạc hà 4g; hãm với nước sôi thêm chút đường uống thay trà. Chữa viêm kết mạc mắt cấp tính (đau mắt đỏ).
Bài 4: tang diệp 12g, cúc hoa 12g, thảo quyết minh 8g. Sắc uống. Trị viêm kết mạc, mắt đỏ sưng đau.
Thuốc dùng ngoài:
- Lá phù dung (tươi, non) 1 - 2 lá, muối biển 5 - 10 hạt. Giã nát, cho lên gạc đắp vào mắt, 1 - 2 ngày.
- Tang diệp 63g, mang tiêu 12g. Sắc lá dâu lấy 500ml nước, bỏ bã, hoà tan mang tiêu, gạn lấy nước trong rửa mắt khi còn ấm.
Thể nặng: Ngoài những chứng trạng như thể nhẹ, bệnh phát nhanh, hai mắt sưng to, đau nhức, nước mắt nước mũi đầm đìa, sợ lạnh, sốt, nằm ngồi không yên. Nếu nặng hơn thì người bệnh không ngủ được, ăn không ngon. Dùng bài: Bát chính tán: đại hoàng 10g, mộc thông 12g, xa tiền tử 12g, cù mạch 12g, biển súc 12g, hoạt thạch 12g, chi tử 12g, cam thảo chích 8g. Sấy khô tán bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20g, uống với nước sắc đăng tâm thảo.
Lưu ý: Bệnh lây lan đường hô hấp, tay - mắt; vì vậy, bệnh nhân và người chưa mắc bệnh phải có ý thức phòng bệnh. Vệ sinh thân thể sạch sẽ, đảm bảo nguồn nước tắm rửa sạch.
Thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0,9%. Nên hạn chế tiếp xúc, tránh dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, chăn gối... Nếu có điều kiện nên cách ly người bệnh (nghỉ học, nghỉ làm việc...).
Khi mắc bệnh cần đi khám chuyên khoa để sàng lọc một số bệnh cũng có dấu hiệu đỏ mắt. Các giấy, bông lau... là nguồn gây bệnh quan trọng nên để riêng. Khăn mặt, chăn gối... phải giặt bằng xà phòng.
Nếu có biểu hiện toàn thân (sốt nhẹ, người mệt mỏi, viêm họng nhẹ, nuốt thấy vướng, hạch trước tai sờ nắn thấy đau...) có thể xông toàn thân bằng nồi nước xông có thêm trầu không.
Theo SKĐS