Chú trọng với bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trở nặng
Cập nhật lúc 21:00, Thứ sáu, 28/11/2014 (GMT+7)
Trong khi số ca mắc bệnh sởi giảm nhiều và chỉ có ít bệnh nhân (BN) mắc mới đang được điều trị thì bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) vẫn tăng dù đã qua thời kỳ cao điểm của bệnh này. Đáng chú ý là số ca mắc bệnh nặng nhiều khiến việc điều trị khó hơn. ( sức khỏe, bệnh dịch, tay chân miệng, trẻ em)
Trong khi số ca mắc bệnh sởi giảm nhiều và chỉ có ít bệnh nhân (BN) mắc mới đang được điều trị thì bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM) vẫn tăng dù đã qua thời kỳ cao điểm của bệnh này. Đáng chú ý là số ca mắc bệnh nặng nhiều khiến việc điều trị khó hơn.
Cao điểm của bệnh SXH được cho là vào tháng 7 - 8 hàng năm nhưng hiện nay vẫn còn nhiều BN mắc phải. Một phụ huynh ở trường Trần Phú (cơ sở 2, P.Chánh Nghĩa, TP.TDM) cho biết, con chị mắc bệnh SXH đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, cũng như mọi khi chị tự mua thuốc hạ sốt cho con uống nhưng không thuyên giảm nên đưa đến phòng mạch tư được bác sĩ cho làm các xét nghiệm, kết quả con chị bị bệnh SXH. Trong thời gian này, một số học sinh mắc SXH cũng phải nghỉ học để điều trị bệnh tại BVĐK tỉnh. Bác sĩ (BS) Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết: “Bệnh sởi đã giảm hẳn tuy nhiên bệnh SXH, TCM vẫn còn tăng và số ca mắc bệnh nặng nhiều. Mỗi ngày có vài ca nặng bệnh SXH và TCM phải nhập viện để điều trị nội trú”. Bệnh TCM không đến mức tăng quá nhiều BN gây khó khăn trong điều trị như những địa phương khác nhưng vẫn có BN nhập viện do bệnh trở nặng.
Bệnh SXH do muỗi truyền bệnh thì bệnh TCM lại liên quan đến vấn đề vệ sinh thân thể. Cần cho trẻ ăn chín, uống sôi, rửa tay kỹ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Biểu hiện của bệnh TCM là trẻ biếng ăn, khó chịu. Phụ huynh cần chú ý khi thấy con bị nổi bóng nước ở tay, chân và miệng loét đỏ cần đưa đến khám, chữa bệnh ngay ở cơ sở y tế. Với những biểu hiện bệnh nặng của trẻ khi bị bệnh thường hay giật mình, chới với, sốt cao liên tục không hạ dù đã uống thuốc hạ sốt.
Với bệnh SXH thể nhẹ có thể điều trị, theo dõi ở nhà nhưng nhất định phải được điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh trở nặng. BS Nguyệt cho biết thêm: “Với những trường hợp bệnh nhẹ, BS thường tư vấn đưa trẻ về nhà theo dõi đúng cách. Các trường hợp điều trị ngoại trú cũng phải tái khám, theo dõi mỗi ngày tại cơ sở y tế cho đến hết ngày thứ 7 của bệnh. Phụ huynh cần theo dõi trẻ kỹ trong trường hợp trẻ lên cơn sốt. Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống bệnh SXH cho những trẻ chưa mắc bệnh…”.
Cách chăm sóc trẻ khi sốt cao, các BS cũng tư vấn nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol (Hapacol), lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng co giật. Không nên cạo gió, cắt lể vì những cách này gây đau, chảy máu, nhiễm trùng. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc aspirine, ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày. Nên cho trẻ uống nhiều nước kể cả các loại nước trái cây và ăn thức ăn lỏng nhẹ, nằm nghỉ ngơi, theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh. Phụ huynh cũng cần theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh SXH như nôn nhiều, đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi, chảy máu mũi… Nếu có những biểu hiện này, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Kể cả khi trẻ hết sốt mà có một trong các dấu hiệu trên cũng phải được đưa đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời.
Tích cực phòng, chống bệnh vẫn là cách tốt nhất mà phụ huynh cần thực hiện. Theo BS Minh Nguyệt, với những bệnh SXH, TCM thể nhẹ có thể điều trị khá dễ dàng nhưng nếu không cẩn trọng, để bệnh trở nặng, phải thở máy, điều trị thuốc đặc hiệu sẽ tốn kém, khó khăn và dễ gây biến chứng.
Theo Báo Bình Dương
.