Kế hoạch tập trung mục tiêu chủ động các biện pháp y tế,  vệ sinh môi trường và  phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau mưa bão, ngập lụt; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong và sau mưa bão, ngập lụt; làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh.

leftcenterrightdel
 Cán bộ CDC Hà Nội hướng dẫn người dân thực hiện khử trùng bể chứa, khử trùng nguồn nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. (Ảnh: CDC Hà Nội)

Tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, nước sạch và phòng chống dịch bệnh tại các xã, phường; phát hiện và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan bùng phát.

Các hoạt động trọng tâm như trước khi mưa bão, ngập lụt xảy ra chủ động bố trí nhân lực, đảm bảo dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị xử lý nước, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh theo quy định hiện hành; tổ chức  tuyên truyền đa dạng các hình thức về vệ sinh bảo quản và sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt;  vệ sinh môi trường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau mưa bão, ngập lụt; duy trì việc thu gom, quản lý và xử lý rác thải theo quy định.

Khi có mưa bão, ngập lụt cần theo dõi chặt chẽ tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn, chủ động nắm bắt tình hình, không để gián đoạn công tác y tế trong ứng phó với thiên tai và phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa bão.

Tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh, chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại các đơn vị cấp nước tập trung, đơn vị sử dụng nước có bể chứa nước tập trung (chung cư, trường học, hộ gia đình...); hỗ trợ cấp hóa chất xử lý nước, môi trường; hướng dẫn người dân, các đơn vị liên quan  triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước sạch bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực; thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt; rác thải rắn y tế đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh gây ảnh hưởng sức khỏe; tăng cường các biện pháp khử khuẩn, xử lý nước thải y tế đảm bảo yêu cầu trước khi xả thải ra môi trường…

Sau khi mưa bão, ngập lụt xảy ra tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở y tế địa phương, các đơn vị liên quan và người dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường; thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy.

Thu gom, xử lý xác động vật, gia cầm theo quy định; thực hiện khử trùng bể chứa, khử trùng nguồn nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt sau khi tổng vệ sinh; tổ chức phun hoá chất khử khuẩn, hoặc rắc vôi bột, phun hoá chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút; tiếp tục tuyên truyền cho người  các biện pháp  đảm bảo vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước tại các đơn vị cấp nước tập trung, đôn đốc các đơn vị đảm bảo nồng độ Clo dư  tự do trong nước cung cấp theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước tại các đơn vị có bể chứa tập trung (chung cư, trạm bơm tăng áp, trường học...); kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt; chất thải y tế trong các cơ sở y tế trên địa bàn theo quy định hiện hành.

Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị UBND các phường, xã  xây dựng kế hoạch hoạt động vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh mùa mưa bão năm 2025 hoặc lồng ghép trong kế hoạch/phương án phòng chống thiên tai trên địa bàn.

Hoài Thu