“Sau những vấp ngã, chúng tôi rất muốn được làm lại cuộc đời. Chúng tôi cần lắm sự quan tâm, yêu thương của tất cả mọi người để bản thân tự tin tìm lại tương lai”, đó là câu nói của những học viên (HV) tại Trung tâm Giáo dục - Lao động - Tạo việc làm tỉnh (gọi tắt là trung tâm)
Tái nghiện vì khó hòa nhập
Đến trung tâm vào những ngày đầu tháng 12, chúng tôi gặp nhiều HV tái nghiện lần 2, lần 3. Nhìn gương mặt L.T.T (30 tuổi, TX.Dĩ An), ít ai có thể ngờ anh từng dùng ma túy và tái nghiện lần 2. Năm 2010, T. bị bạn bè rủ rê, lôi kéo nên từ chỗ dùng thử cho biết đến nghiện nặng. Năm 2012, sau khi cai nghiện, T. về với gia đình được 7 tháng lại tiếp tục bị “nàng tiên nâu” mê hoặc. Đầu năm 2013, anh được đưa vào trung tâm trong nước mắt đau buồn của người mẹ. Anh T. nói, ba mất sớm, mọi gánh nặng gia đình đều dồn trên đôi vai mẹ. Mẹ anh làm công nhân nên thời gian ở nhà rất ít. Thiếu tình thương, bị bạn bè rủ rê, T. đã thử dùng ma túy và nghiện. Sau cai nghiện, không vượt qua được dư luận xã hội, anh lại tiếp tục nghiện lần 2. “Những năm tháng chôn vùi tuổi xuân, tương lai trong trung tâm, tôi ân hận lắm. Nhìn mẹ ngày càng già, sức khỏe yếu, tôi cảm thấy thương mẹ vô cùng. Tôi biết mình đã sai và hứa sẽ cố gắng cải tạo tốt để nhanh chóng về bên mẹ”.
Anh N.N.H (35 tuổi, TP.Thủ Dầu Một) không thể vượt qua thị phi của xã hội nên đã tái nghiện lần thứ 3. Sau khi cai nghiện trở về, vợ đi lấy chồng khác bỏ lại đứa con thơ khiến anh vô cùng đau đớn. Anh cảm thấy cuộc đời mình như đi vào “đường hầm” không lối thoát. Không thể vượt qua nỗi đau, cộng với chưa có việc làm ổn định, anh chán nản và tìm đến với ma túy lần thứ 2, thứ 3. Trò chuyện với chúng tôi, nước mắt anh cứ tuôn trào khi nhắc đến đứa con thơ đang sống thiếu tình thương ba mẹ. Anh H. tâm sự: “Ở đây, chiều nào tôi cũng nhìn về hướng nhà mình. Tôi nhớ nhất là đứa con trai ngoan năm nay vào lớp 1. Nghĩ đến con, tôi quyết tâm cải tạo tốt để nhanh chóng được về nhà. Tôi mong khi về đến nhà với nghề xây dựng trong tay, mọi người sẽ tạo điều kiện để tôi có được việc làm nuôi con”.
Thầy Đỗ Cao Trí, cán bộ giáo dưỡng tại trung tâm cho rằng, qua những lớp học văn hóa, đạo đức, hay học nghề, các HV đã nỗ lực cải tạo để sớm trở về với gia đình. Nhiều HV ngày về với gia đình đã bật khóc khi “tìm lại” được tương lai. Thế nhưng, một thời gian do chưa vượt qua được cám dỗ và những thị phi từ dư luận đã vào lại trung tâm. Điều này làm hao tốn không ít công sức, chi phí hỗ trợ cai nghiện của Nhà nước, của tỉnh và cả gia đình có người nghiện.
Cần sự quan tâm từ nhiều phía
Theo đánh giá của Trung tâm Giáo dục - Lao động - Tạo việc làm tỉnh, trung tâm hiện quản lý hơn 500 HV cai nghiện, trong đó hơn 20% là HV tái nghiện lần 2, lần 3. Tình trạng tái nghiện ngày một gia tăng, trong đó có cả HV tái nghiện lần thứ 4. Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Phước Hậu, Phó phòng Giáo dục của trung tâm, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc HV tái nghiện. Trong đó, phần lớn người nghiện có trình độ học vấn thấp, nhận thức còn hạn chế, không có nghề nghiệp, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, sống phụ thuộc vào gia đình. Sau khi cai nghiện trở về họ vẫn còn mặc cảm, ngại tiếp xúc với mọi người, nhất là còn khó khăn về công ăn việc làm, nảy sinh tâm lý tự ti, chán nản, dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo dùng ma túy trở lại. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn có tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử với các đối tượng này… làm cho công tác cai nghiện và giảm tỷ lệ tái nghiện gặp rất nhiều khó khăn.
Để đối tượng sau cai không tái nghiện là vấn đề khó khăn cần sự vào cuộc từ nhiều phía. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực trong công tác cai nghiện, chống tái nghiện, như: Nhân rộng mô hình hoạt động của điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tránh phân biệt đối xử với người sau cai nghiện; tạo điều kiện thuận lợi cho người sau cai nghiện được học nghề, giải quyết việc làm… Bà Nguyễn Từ Thiện, tư vấn viên tại Điểm hỗ trợ tư vấn cho người sau cai nghiện phường An Thạnh, TX.Thuận An, nói: “Đối với những người từng nghiện ma túy, để từ bỏ cám dỗ thật sự là một “cuộc chiến” dai dẳng, nguy cơ tái nghiện rất cao, đòi hỏi bản thân người nghiện phải có ý chí và quyết tâm cao. Thế nhưng, điều đó vẫn chưa đủ nếu thiếu đi tình thương, trách nhiệm cùng sự động viên tinh thần, việc làm từ những thành viên trong gia đình và sự đón nhận của cộng đồng”.
Ngoài môi trường sống lành mạnh, người sau cai cần có việc làm ổn định để quên đi sự cám dỗ của “nàng tiên nâu”. Tại xã An Tây, TX.Bến Cát, mô hình giúp người sau cai có công ăn việc làm đã phát huy hiệu quả. Ông Trần Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã An Tây, cho biết những đối tượng sau cai, cũng như sau cải tạo trở về địa phương đều được quan tâm. Hội nông dân xã xem xét hỗ trợ vốn, công việc làm ăn nếu họ có nhu cầu. Đoàn, Hội, Đội trong xã thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn với họ. Có được điểm tựa vững chắc, bản thân người lầm lỡ sẽ sớm hòa nhập cộng đồng.
Để người sau cai nghiện không tái nghiện, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng còn cần ý chí quyết tâm của người cai nghiện. Bản thân họ phải thoát khỏi mặc cảm lầm lỗi, từ bỏ tệ nạn ma túy mới mong trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội.
Theo Báo Bình Dương