Trẻ em thường bị bỏng nhiều nhất là ở độ tuổi từ 1 đến 6. Ở lứa tuổi này trẻ nhỏ rất hiếu động, nghịch, tò mò, muốn khám phá và chưa ý thức điều nguy hiểm…

 


Mới đây, Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận và điều trị trường hợp cháu Nguyễn Tuấn Anh (3 tuổi, ngụ xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam) bị bỏng do cồn  gần hết vùng mặt. Theo người nhà của bé cho biết: Do gia đình khó khăn, cha mẹ cháu hằng ngày phải mưu sinh nên thường để cháu ở nhà chơi với các bạn cùng xóm. Trong lúc tinh nghịch, bạn hàng xóm dùng chai cồn đổ vào lon nước ngọt châm lửa đốt chơi đã làm lon phát nổ hất cồn vào mặt cháu Anh gây bỏng nặng. Trường hợp bé Hiếu gần 1 tuổi nằm giường bên cạnh thì bị bỏng ở chân trong tình huống khác. Do không có người trông bé để pha sữa, nên mẹ cháu Hiếu vừa bồng cháu vừa lấy bình thủy nước sôi để trên bàn pha sữa. Khi vừa rót ra chưa kịp đậy nắp bình thủy thì cháu Hiếu đã dùng tay hất ngang làm bình thủy ngã đổ lên chân gây bỏng.

Có mặt tại phòng chăm sóc bỏng, Khoa Ngoại tổng quát nhiều người không khỏi đau lòng khi chứng kiến những tiếng khóc thét của trẻ thơ khi phải chịu đựng sự đau đớn, nhất là lúc các y, bác sĩ vệ sinh vết thương cho các cháu. Đau lòng hơn, bệnh nhân điều trị bỏng tại thời điểm chúng tôi có mặt phần nhiều là trẻ em. Một điều dưỡng cho biết: Phần lớn trẻ nhỏ bị bỏng nhập viện điều trị do quá trình bất cẩn của phụ huynh và thiếu hiểu biết của các em, nhiều nhất là từ 1 - 6 tuổi. Nguyên nhân và tác nhân gây bỏng qua quá trình theo dõi những năm gần đây cho thấy phần lớn do nước sôi, trong quá trình tắm, gội, pha sữa vô ý đổ vào trẻ em. Cũng có trường hợp các cháu ngã vào các chậu nước nóng sôi, nồi canh vừa nấu, nồi cháo, bếp than. Có trường hợp các em nghịch lửa diêm, nghịch lửa nơi có xăng dầu, cồn; chơi nghịch các đồ điện, đụng chạm các nút, phích điện, dây điện đang dẫn điện…

Theo một bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh, do lớp da trẻ em có những đặc điểm giải phẫu và sinh lý khác người lớn, độ dày của da mỏng hơn da người lớn, sức chịu nhiệt kém nên xảy ra bỏng thường gây bỏng nặng, sâu hơn người lớn. Quá trình điều trị và hồi phục cũng chậm hơn người lớn do các cơ quan hấp thu và đào thải chưa hoàn thiện. Để ngăn ngừa và phòng chống bỏng ở trẻ em, các bậc phụ huynh và mọi người lưu ý cần theo dõi và kèm sát trẻ nhỏ đang bò và chập chững đi. Đồng thời để các vật dụng nóng sôi, các chất dễ cháy, các chất dễ phát sinh lửa, đồ điện ở nơi an toàn ngoài tầm với của trẻ nhỏ. Đồng thời kiểm tra độ nóng của nước trong các bồn tắm cho trẻ nhỏ. Không để trẻ tự vặn vòi nước nóng. Trông chừng và nghiêm cấm trẻ đùa nghịch hoặc đến gần các vật gây bỏng như nước sôi, bếp lửa, cột điện và đụng chạm dây điện, phích cắm điện, đồ điện. Ngoài ra, đối với trẻ em đã nhận thức, các bậc phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở các cháu về phòng tránh tai nạn bỏng.

 

Theo Báo Bình Thuận