leftcenterrightdel
 Nhiều bệnh nhân nhập viện điều trị trong tình trạng sốt cao, nhiễm khuẩn, đang điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới. Ảnh: BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh

Sau thời gian mưa bão kéo dài, nhiều khu vực ngập lụt, điều kiện vệ sinh môi trường kém đã và đang cảnh báo các nguy cơ bùng phát các bệnh nhiễm khuẩn sau mưa lũ trong cộng đồng, vì vậy người dân cần có sự chủ động phòng ngừa.

Tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh hiện đang điều trị cho một số trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao kéo dài, nhiễm khuẩn mô, máu, đường tiêu hóa, tiết niệu…

Tiêu biểu là trường hợp của anh P.V.K (45 tuổi) đang sinh sống tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao kéo dài nhiều ngày không dứt. Theo anh K. cho biết, bão số 3 khiến nơi ở của anh bị ngập nước kèm bùn bẩn, sình lầy nên anh phải dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, khu vực sống nhiều ngày trước.

leftcenterrightdel
 Bác sĩ khoa Bệnh nhiệt đới thăm, khám cho bệnh nhân K. bị nhiễm khuẩn Whitmore, sau khi dọn dẹp khu vực sinh sống. Ảnh: BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Sau đó, anh K. bắt đầu xuất hiện sốt cao liên tục, mệt mỏi, uống hạ sốt không thuyên giảm nên nhập viện điều trị. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (Whitmore). Bệnh nhân được các bác sĩ theo dõi, điều trị tích cực tại khoa Bệnh nhiệt đới. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã cắt cơn sốt và đỡ mệt.

Một trường hợp khác là bệnh nhân T.Q.T (49 tuổi) ở phường Hà Lầm, TP Hạ Long, nhập viện với vết thương hở cẳng chân trái, sưng đau, phù nề có dấu hiệu mưng mủ kèm theo sốt cao. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm mổ bào cẳng chân trái, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Theo bệnh nhân cho biết, bản thân bị ngã vào cành cây đổ gãy làm sây sát, sau đó bị sốt từng cơn, gai rét kèm sưng loét cẳng chân. Sau 1 tuần điều trị tích cực với phác đồ phù hợp, đến nay bệnh nhân đã cắt sốt, vết thương đang dần hồi phục và sớm xuất viện trong vài ngày tới.

leftcenterrightdel
 Vùng chân sưng nề, nhiễm khuẩn mô kèm tình trạng sốt cao của bệnh nhân T. Ảnh: BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh

Tại Bệnh viện Bãi Cháy, đơn vị cho biết, đang tiếp nhận điều trị cho 4 bệnh nhân mắc bệnh whitmore. Đáng chú ý, những trường hợp bệnh nhân có bệnh lý nền nhiễm bệnh whitmore có tổn thương nghiêm trọng, thời gian điều trị dài ngày.

Điển hình như: trường hợp của bệnh nhân P.T.T (39 tuổi) sinh sống tại Xã Thống Nhất, TP Hạ Long) có bệnh nền đái tháo đường tuýp 1, mắc bệnh whitmore đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Trước nhập viện, bệnh nhân xuất hiện khó thở, mệt nhiều ngày và sốt cao.

Các bác sĩ đã thăm khám và chẩn đoán tình trạng toan chuyển hóa nặng, viêm phổi. Quá trình điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, bệnh nhân diễn biến nặng sốc nhiễm khuẩn. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (whitmore), tiên lượng nặng. Các bác sĩ đã tiến hành điều trị tích cực với thuốc kháng sinh, vận mạch…Hiện tại, sau 6 ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân thoát sốc, chỉ số sinh tồn ổn định, giảm sốt.

leftcenterrightdel
 Bệnh nhân có bệnh lý nền nhiễm bệnh whitmore, diễn biến nặng sốc nhiễm khuẩn điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy

Đánh giá về số lượng người bệnh nhiễm khuẩn nhập viện trong thời gian qua, đặc biệt là sau mưa lũ, Bs.CKII Lương Xuân Kiên - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Sau mưa bão, vô số các vi sinh vật, rác bẩn, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm nguồn nước, nguồn thực phẩm, làm gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh, nhiễm trong cộng đồng. Vi khuẩn có thể gây bệnh qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, đặc biệt là những loại vi khuẩn tồn tại trong môi trường bùn đất bẩn, nguy cơ lây nhiễm càng cao với những người có vết trầy xước trên da. Khi nhiễm vi khuẩn, người bệnh có diễn biến cấp tính với các biểu hiện: sốt cao, nhiễm trùng mô, tiết niệu, tiêu hóa, nhiễm trùng huyết… Đối với những người có bệnh lý nền, mạn tính, nếu không điều trị kịp thời, tích cực sẽ dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong”.

Thời gian mưa lũ, vô số vi sinh vật, rác bẩn, chất thải…theo dòng nước, bùn, đất làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh; vệ sinh sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín, uống sôi… Đặc biệt khi bệnh nhân có các vết loét ở ngoài da, các triệu chứng như: sốt cao kéo dài, mệt mỏi, nhức mỏi tay chân, ho, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng … cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

Khánh Quyên