Theo người nhà bệnh nhân, vào mùng 1 âm lịch vừa qua (3/9), bệnh nhân có ăn tiết canh lợn ngoài quán để lấy may. Sau khi về nhà thì mệt mỏi, đau người, đến đêm xuất hiện sốt rét run.

Sáng ngày vào viện, người nhà phát hiện nam thanh niên trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng, tím tái toàn thân.

Tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn.

Hiện tại bệnh nhân đang được điều trị tích cực bởi biến chứng suy đa tạng, rối loạn đông máu nặng, được lọc máu liên tục, truyền các chế phẩm của máu.

leftcenterrightdel
 Nam bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại bệnh viện (Ảnh: BV Nhiệt đới Trung ương).

Theo Ths.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tại một số nơi vẫn có người dân quan niệm rằng ăn tiết canh đầu tháng (có màu đỏ) để lấy may mắn. Điều này không đúng, bởi nó có thể gây hại cho sức khỏe con người. Thường ở ngoài hàng quán, tiết canh được lấy từ tiết động vật tươi sống.

Đây là một trong các nguyên nhân chính khiến nhiều bệnh nhân bị nhiễm giun sán. Nếu không may ăn phải tiết của lợn đang mắc bệnh thì người ăn có nguy cơ mắc liên cầu lợn, bệnh đường tiêu hóa…Trường hợp nam thanh niên 27 tuổi này cũng mắc sai lầm như vậy.

Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, BS Phúc khuyến cáo người dân nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Khi ăn cần nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng.

Người dân không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

H.P