Tại một số bệnh viện, những ca trẻ bị gù vẹo cột sống mức độ nặng đến điều trị không có dấu hiệu giảm qua các năm. Đáng báo động là có trẻ bị gù vẹo cột sống trên 100 độ mới được đưa đến bệnh viện.
 

Theo bác sĩ Võ Quang Đình Nam - chuyên khoa chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM), bệnh viện này đã ghi nhận được khá nhiều trường hợp bé bị nặng rồi gia đình mới đưa đến. Có bé mới 6 tuổi đã bị gù vẹo tới 70 độ. Có ca 70 độ, thậm chí hơn 90 độ, có trường hợp trên 100 độ! Đây là con số gây kinh ngạc vì ở nước ngoài 40-45 độ đã bị coi là nặng rồi. Hỏi ra mới biết do hoàn cảnh khó khăn, hiểu biết chưa thấu đáo cứ nghĩ rằng bệnh này không trị được. Năm 2003, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM chỉ phẫu thuật 15 ca trẻ bị gù vẹo cột sống. Đến năm 2012 con số này tăng lên 40 ca và chỉ trong sáu tháng đầu năm 2013 con số này đã là 30.

 
Mới đây nhất, tháng 7-2013, khoa chỉnh hình nhi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đã tiếp nhận em gái P.A. (14 tuổi) bị cong gù cột sống 105 độ. Trước đó, bệnh viện đã tiếp nhận bé trai tên T.M.T. (11 tuổi) bị gù vẹo tới 110 độ do u dưới màng cứng. Người nhà cho biết bé bị vẹo cột sống từ 6 tháng tuổi. Thời gian sau bé hay than đau ngực ngày càng nhiều, đau giữa xương ức và thường vào ban đêm. Phẫu thuật lần ba thì góc vẹo giảm từ 110 độ còn 40 độ. Sau đó bé T. phải trải qua 25 đợt xạ trị và tiếp tục theo dõi tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
 
Nguyên nhân của gù vẹo cột sống, theo bác sĩ Nam, có thể do dị tật bẩm sinh cột sống nhưng phần lớn là vô căn (chưa rõ nguyên nhân) dù bệnh có liên quan đến yếu tố di truyền. Một số ít trường hợp bị vẹo do tư thế xấu, ngồi học không đúng cách. Có bé lại mặc cảm chiều cao do quá cao so với các bạn cùng lứa, bị trêu chọc nên cứ cố khòm lưng xuống, lâu ngày thành gù vẹo, những trường hợp vẹo do tư thế này thường không nặng, dễ điều trị.
 
Vẹo cột sống do bẩm sinh thường được phát hiện ở trẻ nhỏ. Vẹo do vô căn thì có thể xảy ra ở lứa tuổi nhũ nhi, thiếu nhi và nhiều nhất là ở độ tuổi thiếu niên. Vẹo cột sống vô căn thường ở nữ (70%), nếu nhẹ (dưới 20 độ) thì theo dõi tại nhà, cho bé bơi lội, đu xà. Từ 20 - 40 độ phải mang áo nẹp để phòng ngừa bé bị nặng lên, từ 40 - 50 độ phải phẫu thuật nắn chỉnh lại. Nếu không mổ, mỗi năm sẽ tăng độ lên, diễn tiến nặng hơn, bé sẽ bị đau lưng hơn, suy hô hấp, trụy tim mạch. Chưa kể bé không tự tin, dễ bị bạn bè trêu chọc.
 
Tuổi càng nhỏ, bị gù vẹo càng dễ tăng nặng
 
“Giống như cây con đang lớn. Càng nhỏ, phát hiện càng sớm bệnh thì điều trị càng dễ. Với bé bị gù vẹo cột sống do bẩm sinh thì theo dõi, sau 2 tuổi mới có hướng xử lý. Gù vẹo cột sống thường xảy ra ở độ tuổi 8 - 14 tuổi với bé trai và 12 - 16 tuổi với bé gái. Cần lưu ý là tuổi khởi phát càng nhỏ thì càng dễ tăng nặng”, bác sĩ Lê Hữu Khánh nhận định.
 
Có những dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh lý này: hay than bị đau lưng, khó thở, hai bên hông không đều, xương mào chậu nghiêng qua một bên, chân bên cao bên thấp... Bác sĩ Khánh hướng dẫn: “Cha mẹ có thể làm theo cách sau để phát hiện xem trẻ có bị gù vẹo hay không: đứng từ sau lưng bé; bé ở tư thế thẳng, hai tay buông xuôi. Nếu hai bờ vai bằng nhau thì bình thường. Nếu lệch (bên thấp, bên cao) thì chắc chắn bị vẹo cột sống”.
 
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Khánh, nên nhận biết sớm bệnh lý này bằng cách tầm soát học đường. Nhà trường phối hợp với bệnh viện chuyên về trẻ hoặc phòng khám đa khoa quận huyện để khám định kỳ (đầu năm học); đồng thời có những bàn học chiều cao khác nhau, phù hợp với độ tuổi và chiều cao của bé. Chẳng hạn: bàn sau cao hơn bàn trước để vừa tầm nhìn của bé, tư thế ngồi không bị biến dạng. Nguồn ánh sáng phải chiếu trước mặt, từ trái qua và đủ sáng để bé ngồi không phải nghiêng qua một bên nhìn...
 
Theo Tuổi trẻ
Tin tức liên quan