Bác sĩ nào cũng có những bệnh nhân đồng hành với mình lâu đến mức bác sĩ có thể thuộc làu lịch sử bệnh tật của người bệnh đó, thuộc cả gia cảnh, người thân của họ.
Tiến sĩ Võ Xuân Sơn – nguyên bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, tâm sự, có những bệnh nhân mà ông theo dõi họ, thậm chí biết cả tới việc người thân, chú bác của họ đã qua đời.
Để lại ấn tượng mạnh nhất cho bác sĩ Sơn đó là một cô gái. Năm 13 tuổi bệnh nhân nhập viện khi có triệu chứng chèn ép tủy cổ và bệnh nhân đã sống thêm được hơn 20 năm. Khi hay tin bệnh nhân qua đời, bác sĩ Sơn thấy hụt hẫng và buồn khôn tả. Cảm giác mất thăng bằng và thật sự xúc động khi biết lúc gần qua đời, người bệnh vẫn gửi lời cảm ơn bác sĩ.
Bệnh nhân gắn bó với bác sĩ vì thời gian đầu điều trị cho cháu rất khó khăn. Bác sĩ Sơn kể, 25 năm trước, chưa có CTScan cũng như MRI, nên bác sĩ phải chụp tủy đồ. Để chụp tủy đồ, bác sĩ phải chọc kim vào ống sống ở thắt lưng, bơm thuốc cản quang vào khoang nước ở tủy sống, thuốc cản quang chạy lên trên, chỗ nào có khối u thì không có thuốc, tạo thành hình khuyết khi chụp.
Khi chụp tủy đồ cho cháu, thấy khối u ở vùng ngực thấp. Khối u lớn quá nên thuốc không “vòng qua” để lên trên được, không thấy được đầu trên khối u, trong khi dấu hiệu cho thấy cháu bị chèn ép ở cổ. Vậy là phải bơm thuốc vào cổ để thuốc chạy xuống.
Lúc đó, ở Việt Nam chưa có ai chọc dò và bơm thuốc ở cổ cả, đây là một kĩ thuật khó và nguy hiểm. Cháu bị nhiều khối u, từ cổ xuống ngực. Các bác sĩ đã mổ cho cháu bé, lấy ra hàng chục khối u. Vậy mà vẫn còn hàng ngàn khối u nhỏ như đầu tăm, bám đầy trên các rễ thần kinh trong tủy.
Sau này, bệnh nhân được mổ tổng cộng khoảng 20 cuộc mổ, từ u não, u tủy, u dây thần kinh ở tay, chân… Bác sĩ vẫn theo dõi tình hình của bệnh nhân khoảng gần 10 năm lại đây và được biết bệnh nhân không còn nghe được do u dây thần kinh số VIII cả hai bên, một tay và một chân cử động hơi khó khăn do u của các dây thần kinh ở vùng này tái phát liên tục, gây đau và yếu.
Lần khám cuối cùng, những cuộc mổ u dây thần kinh số VIII hai bên nhiều lần làm cho cơ mặt bệnh nhân bị liệt, không có khả năng biểu lộ cảm xúc. Thuốc giảm đau cứ phải tăng liều lên dần. Căn bệnh khiến bệnh nhân già nhanh trước tuổi. 35 tuổi nhưng bệnh nhân như bà già.
Khi bệnh nhân không tái khám, bác sĩ Sơn vẫn hỏi thăm nhưng gia đình bệnh nhân không có điện thoại, bác sĩ Sơn phải hỏi qua một người hàng xóm cho biết cô gái đó vẫn đi lại được tuy có khó khăn, và vì không nghe được, lại không biểu lộ được cảm xúc, nên bệnh nhân ít giao tiếp với bên ngoài.
Vừa nhìn thấy ba của bệnh nhân đến khám, bác sĩ Sơn mừng vì gặp lại bệnh nhân của mình. Ông điếng người khi ba cô cho biết người bệnh đặc biệt đó đã qua đời được 100 ngày.
Vẫn trông đợi tin tức của người bệnh
Đây là trường hợp bệnh nhân bị neurofibromatosis type II (NFII), là một bệnh u sợi thần kinh lành tính, có tính chất gia đình. Những người mắc bệnh này này có thể có những u nhỏ bằng đầu ngón tay treo lủng lẳng trên da mặt, đầu, tay, chân, hoặc những nốt sậm màu cà phê sữa trên da. Ở một số người u nằm trong các cấu trúc quan trọng, gây ra các biến chứng do chèn ép hoặc do làm hư hỏng dây thần kinh.
Bệnh nhân nữ này bị u não (u dây thần kinh VIII, dây thần kinh chi phối nghe và thăng bằng, khi mổ u này sẽ xâm phạm vào dây số VII, dây thần kinh mặt, chi phối vẻ mặt, cười, khóc...). Bệnh nhân còn bị hàng loạt u tủy gây yếu, liệt và u của các dây thần kinh ở tay, chân, gây đau nhức và yếu cơ. Cháu được mổ nhiều lần. Nhưng chỉ một thời gian sau u khác lại mọc lên.
Ngoài cháu bé gái này, bác sĩ Sơn còn khá nhiều bệnh nhân được ông theo dõi và hỏi thăm thông tin của bệnh. Có một cháu trai cũng bị tương tự. Ông theo dõi thấy khoảng 8 năm nay cháu không tái khám. Cảm giác không có thông tin gì về bệnh nhân khiến bác sĩ thấy thôi thúc, không yên tâm.
Với những người mắc bệnh u sợi thần kinh, hầu hết họ đều trải qua nhiều cuộc mổ nên bác sĩ đều khó có thể quên họ. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Hiện bác sĩ Sơn còn “giữ hồ sơ” của khoảng 10 bệnh nhân mắc bệnh này.
Theo infonet