Chiều 26/5, Bộ Y tế vừa có văn bản lý giải về việc vì sao có tình trạng thiếu vắcxin dịch vụ thời gian qua.
Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp đã nhập vắcxin nhưng không tiêu thụ được trong năm 2013 nên hạn chế số lượng nhập khẩu cho năm 2014. Đây cũng là nguyên nhân gây thiếu vắcxin dịch vụ.
Theo thông báo từ Văn phòng Bộ Y tế, tiêm chủng vắcxin phòng bệnh cho nhân dân gồm hai hệ thống là tiêm chủng mở rộng Quốc gia và tiêm dịch vụ. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực của ngành y tế nhiều năm qua Bộ Y tế luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ 11 loại vắcxin miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, gồm: lao, bạch hầu, bại liệt, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan virus B, bệnh do Haemophylus influenza typ B, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn.
Các vắcxin trên luôn được đảm bảo đầy đủ vì việc đặt hàng, sản xuất, cung ứng có kế hoạch trước một năm.
Bên cạnh vắcxin cung ứng từ Chương trình tiêm chủng mở rộng, vắcxin tiêm dịch vụ được nhập khẩu phục vụ theo nhu cầu của thị trường. Các vắcxin tiêm dịch vụ ngoài phòng 11 bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia còn để phòng một số bệnh khác như: thủy đậu, cúm, các bệnh do phế cầu chủng gây ra, viêm não mô cầu ... hoặc phối hợp 5 trong 1, 6 trong 1 để giảm số lần tiêm.
Vắcxin tiêm dịch vụ thường do các công ty tự nhập khẩu về theo dự báo và nhu cầu thị trường từ các nước Mỹ, Pháp, CuBa, Hàn Quốc… để cung ứng cho các đơn vị tiêm chủng trong các trường hợp chưa xảy ra dịch bệnh.
Ngoài ra, do vắcxin có đặc thù khác với các thuốc hóa dược là được sản xuất bằng công nghệ sinh học với nhiều công đoạn phức tạp, thời gian cần thiết để sản xuất là khoảng 6 tháng, có hạn dùng ngắn và điều kiện bảo quản đặc biệt. Các vắcxin sau khi được sản xuất, nhập khẩu cần phải được kiểm định chất lượng, đạt yêu cầu mới có thể cung cấp cho các đơn vị tiêm chủng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, thời gian qua do nhận thức của người dân đối với tác dụng và tính an toàn của tiêm vắcxin sau một số tai biến xảy ra gần đây đã làm giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêm chủng nói chung và tiêm vắcxin dịch vụ nói riêng. Một số doanh nghiệp đã nhập vắc xin nhưng không tiêu thụ được trong năm 2013 nên hạn chế số lượng nhập khẩu cho năm 2014. Đây cũng là nguyên nhân gây thiếu vắcxin dịch vụ.
Ngay khi có hiện tượng bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã đồng thời triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung vắc xin cho nhu cầu tiêm phòng bệnh thủy đậu.
Ngoài việc cấp cho các công ty nhập khẩu vắcxin phòng bệnh thủy đậu số đăng ký lưu hành theo nhu cầu thông thường, Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu khẩn cấp 77.600 liều vắcxin của Hàn Quốc, 19.830 liều vắcxin của Bỉ và 200.000 liều của Mỹ sản xuất theo hình thức chưa có số đăng ký.
Bộ Y tế đã tổ chức họp Hội đồng xét duyệt thuốc và cấp số đăng ký lưu hành cho các vắcxin phòng bệnh thủy đậu theo quy trình rút gọn, đồng thời tổ chức thêm cơ sở thẩm định hồ sơ đăng ký tại Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời ưu tiên kiểm định đối với các lô vắc xin sản xuất và nhập khẩu phục vụ phòng chống bệnh dịch.
Bộ Y tế cũng liên tục có các văn bản yêu cầu các sở y tế chỉ đạo các đơn vị tiêm chủng thực hiện tốt việc dự trù, đặt hàng; các công ty sản xuất và nhập khẩu vắc xin tích cực tìm nguồn cung và chủ động liên hệ với các đơn vị tiêm chủng để cung ứng kịp thời.
Thời gian tới Bộ Y tế tăng cường tuyên truyền về tiêm chủng vắcxin để phòng bệnh, trong đó có việc hướng dẫn thay thế các vắcxin phối hợp bằng các vắcxin đơn giá./.
Theo Vietnam+