Công văn nêu rõ, ngày 17/12/2019, một số phương tiện truyền thông, báo chí đã đăng bài ‟Hô biến” nhân viên tạp vụ thành bác sĩ khám cho công nhân tại Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường tỉnh Bình Dương.

leftcenterrightdel
Dù không có chứng chỉ, bằng cấp nghiệp vụ nhưng vẫn được tham gia khám bệnh cho công nhân. (Ảnh TNO) 

Để nắm bắt tình hình và có cơ sở báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Dương chỉ đạo và tổ chức xác minh các nội dung đã được phóng viên phản ánh và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước ngày 20/12/2019.

Cục cũng chỉ đạo Sở Y tế tỉnh này tiếp tục tăng cường thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. Cụ thể rà soát và kiểm tra, thanh tra hoạt động khám sức khỏe tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế.

Chỉ đạo, hướng dẫn các khoa, phòng có liên quan đến hoạt động khám, cấp giấy khám sức khỏe, giấy ra viện nghiêm túc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác khám sức khỏe và cấp giấy ra viện. Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm về khám, cấp giấy khám sức khỏe và cấp giấy ra viện.

Thiết lập hệ thống theo dõi, cập nhật hàng ngày việc khám, cấp giấy khám sức khỏe, cấp giấy ra viện nhằm hạn chế việc làm giả.

Đồng thời, phối hợp cơ quan báo chí, chính quyền địa phương, lực lượng công an trên địa bàn để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp cố ý làm trái quy định của pháp luật trong hoạt động khám chữa bệnh nói chung và khám sức khỏe nói riêng.

Theo phản ánh, tại Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường tỉnh Bình Dương có cho một nhân viên tạp vụ giả danh làm bác sĩ, ngồi chỉ định khám sức khỏe cho công nhân, hết giờ làm bác sĩ, nhân viên này trở lại vai tạp vụ.

 
PV