"Một số nước trong khu vực số ca mắc tay chân miệng, số tử vong cũng tăng vọt nhưng đã có nước nào công bố dịch đâu mà chúng ta công bố”, Bộ trưởng Y tế cho biết chiều 25/10 trong buổi họp về phòng chống dịch.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, năm 2003 Việt Nam phát hiện ca mắc đầu tiên, từ đó đến nay bệnh vẫn xảy ra rải rác quanh năm. Đặc biệt trong năm nay, dịch trở nên trầm trọng. Tuy nhiên không chỉ có nước ta mà một số nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan cũng có dịch nhưng chưa có nước nào công bố.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Moh.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Moh.


"Trước đây, Tổ chức Y tế Thế giới từng công bố dịch cúm H1N1. Việt Nam cũng công bố dịch nhưng đấy là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chỉ cần hắt hơi một cái là có thể lây cho cả cộng đồng, lan rộng nhiều quốc gia. Tất cả các bộ, ngành, công an, bộ đội, giao thông vận tải, du lịch… đều được huy động tham gia chống dịch. Khách nhập cảnh phải kiểm tra thân nhiệt, lấy mẫu bệnh phẩm", Bộ trưởng Tiến cho biết.

“Trong khi đó, tay chân miệng là bệnh vẫn lưu hành hàng năm, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, lây truyền qua bàn tay bẩn nên chúng ta có thể kiểm soát được. Hơn nữa, chúng ta vẫn đang có dịch sốt xuất huyết nhưng không công bố dịch. Chả nhẽ công bố để rồi sau đó người nào vào Việt Nam cũng phải lấy mẫu xét nghiệm máu?”, bà Tiến nói.

Bà cũng nhấn mạnh: “Tôi khẳng định là có dịch tay chân miệng nhưng xét theo luật hay thực tế thì không ai công bố. Và cũng không có chuyện địa phương giấu vì bệnh thành tích. Ta vẫn có thể khống chế được vì bệnh lây qua đường tay bẩn. Nói thế nhưng chúng ta không được lơ là trước tính mạng của trẻ”, bà Tiến cho biết thêm.


Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết: “Hiện chưa có địa phương nào là không kiểm soát được bệnh cả. Nếu áp dụng đúng và đủ các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế mà trên địa bàn bệnh dịch vẫn tăng thì mới nói là không kiểm soát được”.

Cũng theo ông, việc kiểm soát dịch của các địa phương rất tốt. Bằng chứng là tỉnh nào có số ca mắc cao trước đây đã giảm. Hiện chưa có đến một ca tay chân miệng trên 1.000 dân, trong khi ở Singapore là 3 trẻ mắc trên 1.000 dân.

Cũng theo ông Bình, có một thực tế là công tác tuyên truyền hiện tập trung vào việc phát hiện sớm bệnh để đưa trẻ đi khám, điều trị mà chưa chú trọng vào phòng bệnh. Nhận thức của người dân còn rất lơ là, cộng tác viên, tuyên truyền viên có đến tận nhà nhưng người dân không nghe.

“Vì thế, trong thời gian tới cần thay đổi cách truyền thông làm sao để người dân tự bảo vệ mình, cán bộ y tế không làm thay được. Chúng ta chỉ cần làm điều đơn giản là rửa tay bằng xà phòng cho mình và cho trẻ trước và sau khi ăn, đi vệ sinh, khử trùng đồ chơi, khăn, tã lót, quần áo, nền nhà…”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Thực tế, theo khảo sát tại một số tỉnh, thành, trẻ ở nhà không đi học mà vẫn mắc bệnh chiếm tỷ lệ lớn. Qua điều tra 100 trẻ mắc tay chân miệng tại TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Bến Tre cho thấy tỷ lệ trẻ không đi học mà mắc bệnh rất cao (gần 80%). Thực trạng cũng tương tự tại Long An, Vĩnh Long, Quảng Ngãi. Điều đó có thể thấy vai trò của cha mẹ, người chăm sóc trong việc phòng bệnh cho trẻ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến nay cả nước đã ghi nhận 78.000 ca bệnh, trong đó 137 trường hợp tử vong. "Tỷ lệ tử vong ở Việt Nam khá thấp, khoảng 3%, trong khi các nước xung quanh 10-30%", Bộ trưởng Y tế cho biết.

 

Theo VNE