Từ đầu năm đến nay, trên cả nước có thêm 13 trường hợp mới mắc Zika nâng tổng số bệnh nhân lên 219. Căn bệnh trên rất khó kiểm soát, đang là thách thức lâu dài đối với ngành y tế.
12 tỉnh thành bị Zika tấn công
Đó là vấn đề nổi cộm về dịch bệnh truyền nhiễm được PGS.TS.BS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nêu ra trong Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch khu vực phía Nam năm 2017 (ngày 16/2)
|
Bộ Y tế đang nỗ lực phòng chống, kiểm soát dịch Zika |
Theo đó, năm 2016 dịch Zika là mối đe dọa lớn tại khu vực các tỉnh phía Nam và một phần Miền Trung – Tây Nguyên. Đến nay, trên cả nước đã có 219 trường hợp nhiễm Zika tại 12 tỉnh, thành (13 ca trong 2 tháng đầu năm 2017). Ít nhất 1 bệnh nhi ngụ tại Đắk Lắk đã được xác định bị tật đầu nhỏ do vi rút Zika gây ra. TPHCM đang là điểm nóng của căn bệnh này với 199 người đã được xác định dương tính.
Kết quả giám sát dịch Zika năm 2016 đã ghi nhận 41 thai phụ mắc Zika. Trong đó, đã có 6 ca bỏ thai, 9 ca sinh sống, 26 ca đang được theo dõi. Bệnh có nguy cơ lây lan, bùng phát trên diện rộng trong năm 2017 nếu không có kế hoạch giám sát, ứng phó, không kiểm soát được véc tơ truyền bệnh.
Cục Y tế Dự phòng cũng cảnh báo, về nguy cơ kết hợp giữa hai loại bệnh do muỗi Asdes là sốt xuất huyết và Zika trong cùng một ổ dịch. Từ thực tế khảo sát đã nghi nhận trong ổ dịch sốt xuất huyết có muỗi dương tính với vi rút Zika. Loại bệnh này đang có những diễn biến rất khó lường, những hiểu biết về Zika còn hạn chế nên bệnh vẫn là thách thức lớn đối với y tế toàn cầu.
Khó kiểm soát được véc tơ truyền bệnh
Phân tích chuyên môn của PGS.TS.BS Phan Trọng Lân, Viện Trưởng Viện Pasteur, TPHCM chỉ ra: Hầu hết trường hợp mắc Zika đều là bệnh nhẹ, với những biểu hiện đặc trưng không rõ ràng, chỉ 20% có triệu chứng, 80% không có triệu chứng. Mặt khác, bệnh có thể lây truyền khi chưa có biểu hiện rõ ràng nên công tác phát hiện, dự phòng rất khó khăn.
Từ những hiểu biết ban đầu về 2 đường lây truyền của bệnh là muỗi và mẹ lây sang con, đến nay đã khám phá thêm 2 đường lây truyền khác là quan hệ tình dục và truyền máu. Ngoài tật đầu nhỏ, một số trẻ sinh ra với cơ thể bình thường, tuy nhiên mắc Zika bẩm sinh khiến trẻ bị chậm phát triển. Các nghiên cứu về sự nguy hiểm của Zika đang tiếp tục được triển khai ở nhiều nước, nguy cơ về nguy hiểm khác của bệnh có thể chưa dừng lại.
|
PGS Phan Trọng Lân cho rằng cần phải thực hiện những giải pháp tổng hợp để phòng chống dịch |
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, vi rút Zika đang lưu hành trên diện rộng tại Việt Nam. Hiện, công tác dự phòng, tầm soát bệnh đang được triển khai khá hiệu quả trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, ở các tỉnh thành khác những phương án tầm soát, phát hiện bệnh chưa được triển khai đồng bộ nên nguy cơ ca bệnh xuất hiện và lây lan trong cộng đồng ở mức cao.
Khẳng định, những người mắc bệnh không có biểu hiện lâm sàng thì rất khó phát hiện nếu không tiến hành xét nghiệm. PGS Phan Trọng Lân đề nghị Bộ Y tế cần có các giải pháp giám sát tích cực, đề phòng nguy cơ dịch lây lan trên diện rộng có thể xảy ra. Theo PGS Trọng Lân, cuộc chiến với Zika chỉ mang lại hiệu quả khi huy động được cả hệ thống chính trị tham gia phòng chống, xử lý ổ dịch khi phát hiện, truyền thông để người dân hiểu về bệnh, có giải pháp tự phòng bệnh... Việc giám sát y tế công cộng là khâu then chốt với sự kết hợp của cả hệ thống y tế công lập và tư nhân trên cơ sở lồng ghép giám sát 3 tác nhân gồm: sốt xuất huyết, Chik và Zika cho những đối tượng có biểu hiện sốt phát ban, viêm kết mạc, đau cơ, đau khớp. Theo dõi, chăm sóc tốt sức khỏe cho phụ nữ mang thai, có giải pháp hỗ trợ cho những đối tượng bị tác động bởi Zika.
Để chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ sẽ tiến hành các nghiên cứu liên quan đến bản chất bệnh Zika, kỹ thuật chẩn đoán bệnh, điều trị biến chứng để hạn chế tối đa những nguy hiểm do bệnh gây ra. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ có những giải pháp tăng cường kinh phí, năng lực chuyên môn cho các địa phương trong công tác phòng chống Zika và bệnh truyền nhiễm khác.
Theo Vân Sơn/Dân trí